Sau nhiều tháng luyện đề thi Topik, nhiều lần đi thi Topik, mình đã rút ra được “chiến lược” làm bài thi và thấy cực kỳ hiệu quả. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn “chiến lược” làm đề nghe giúp bạn ăn điểm dễ hơn.
1. Tận dụng thời gian 2 phút 30 giây đầu tiên
Trước khi bắt đầu vào đề nghe Topik, bao giờ cũng có một đoạn hướng dẫn và nhạc dạo khoảng 2 phút 30 giây. Đây không phải là lúc để bạn ngồi thư giãn trước khi vào làm bài nghe. Vì ngồi chơi lúc này, bạn sẽ không có thời gian xem đáp án, không bắt kịp tốc độ băng chạy đâu. Mà vừa đọc đáp đáp án, vừa nghe lại vừa phải tư duy suy nghĩ để chọn đáp án đúng thì cực kỳ khó.
Mình tận dụng thời gian này để xem trước 10 – 12 câu đầu tiên, cụ thể là đọc nhanh tất cả các đáp án trong những câu đó. Khi băng chạy, mình chỉ việc nghe và chọn đáp án chứ không phải vừa nghe vừa đau đầu chọn đáp án. Như thế mình sẽ chọn được đáp án nhanh nhất và chính xác nhất. Xong mỗi câu trong 10 – 12 câu đầu, mình còn có thời gian xem trước đáp án ở những câu 13-16, 17-20. Từ câu 21 trở đi, 1 câu sẽ được nghe 2 lần nhưng nội dung sẽ phức tạp hơn, nhiều từ mới và đương nhiên chọn đáp án sẽ khó hơn. Thế nên, bạn hãy tận dụng từng giây phút một, đọc trước đề được câu nào tốt câu đó.
Lưu ý: Nếu đọc không kịp đáp án mà băng đã chuyển sang câu bạn đang đọc thì dừng ngay việc đọc lại, chỉ tập trung nghe để nắm được nội dung. Nghe xong cố gắng ghi nhớ nội dung chủ yếu rồi đối chiếu với đáp án để chọn đáp án đúng nhất.
2. Gạch chân những keyword trong đáp án
Thi Topik xong, lúc giám thị thu lại đề thi nghe thì trong đề của mình chi chít những phần gạch chân. Đây là một trong những bí kíp làm bài nghe giúp mình đạt điểm tốt nhất. Khi đọc đáp án của các câu hỏi trong đề thi, mình sẽ gạch chân những từ khóa – gọi là keyword (tất nhiên trừ câu 1- 3 chọn đáp án là bức tranh). Gạch chân những từ khóa này sẽ có tác dụng gì?
Thứ nhất, khi nghe cần tập trung cao độ. Thêm vào đó, làm bài nghe là nghe ý, không cần thiết phải nghe cả tất cả nội dung hội thoại. Gạch chân từ khóa là cách giúp mình tập trung tối đa vào nội dung cần thiết, khi nghe chỉ cần để ý đến nội dung liên quan đến từ khóa đó là được.
Thứ hai, nhìn vào từ khóa giúp mình ngay lập tức hiểu được nội dung của đáp án đó, chứ không mất thời gian đọc cả câu.
Ví dụ câu 13 trong đề Topik 52, mình đã gạch chân từ khóa như dưới đây.
- 남자는 모임에 참석했다
- 여자는 교통사고를 당했다
- 여자는 어제 모임에 안 갔다
- 남자는 얼마 전에 자동차를 샀다.
Khi nhìn vào từ khóa này là mình nắm luôn được nội dung của từng đáp án. So với việc không gạch chân từ khóa này thì dễ dàng hơn rất nhiều.
Thứ ba, khi nghe mình chỉ tập trung nhìn những từ khóa đó và lắng nghe xem đoạn hội thoại đề cập đến nội dung nào tương ứng với một trong số từ khóa đó. Điều này giúp mình tập trung vào trọng điểm từ khóa đó, không bị phân tâm đến những nội dung không cần thiết trong đáp án.
Thứ tư, nhìn vào từ khóa để nhanh chóng loại trừ đáp án sai trong lúc nghe.
Ví dụ câu 11 trong đề nghe Topik 52 có 4 đáp án như sau
- 전등을 산다
- 전등을 찾는다
- 전등을 바꾼다
- 전등을 가져온다.
Cả 4 đáp án đều nói về bóng điện nhưng mình sẽ gạch chân những từ khóa quan trọng đó là các động từ: 사다, 찾다, 바꾸다, 가져오다. Khi nghe, mình chỉ cần để ý nội dung nào tương ứng với một trong các từ khóa đó và nhanh chóng loại trừ đáp án sai.
3. Chọn đáp án luôn trong đề thi
Khi làm bài nghe, mình sẽ chọn luôn đáp án trong đề thi mà không tô vào phiếu trả lời câu hỏi. Nguyên nhân là: Sau mỗi câu, chỉ có khoảng 10 – 20 giây để bạn chọn đáp án đúng + tô đáp án trong phiếu trả lời câu hỏi + đọc đáp án trong câu tiếp theo. Mà tô đáp án còn phải tô kín ô, thì đến lúc máy chấm mới nhận biết được. Thời gian này rất ít ỏi để mình làm tốt cả 3 việc trên.
Thế nên, mình sẽ chọn luôn đáp án trong đề thi, để có nhiều thời gian đọc đáp án câu tiếp theo, sẽ không bị rối não vì vừa đọc đáp án vừa nghe. Sau khi nghe hết câu 48 hoặc 49, mình sẽ nhìn vào đáp án đã chọn trong đề thi và tô đáp án trong phiếu trả lời câu hỏi. Câu 49, 50 đọc 2 lần này nên sẽ đủ thời gian để mình tô hết các đáp án. Nếu mình phân vân cả 2 đáp án thì sẽ đánh dấu chọn cả 2 đáp án đó nhưng sẽ ghi chú nhỏ ở đáp án mà có khả năng đúng hơn. Rồi khi tô đáp án, mình sẽ cố nhớ lại nội dung đã nghe và chọn đáp án cuối cùng.
Lưu ý: Trong những lần thi Topik, mình đã thử so sánh cách làm bài nghe: 1. Nghe xong và tô luôn đáp án trong phiếu trả lời câu hỏi; 2. Chọn luôn đáp án trong đề thi, sau đó mới tô đáp án trong phiếu trả lời. Mình thấy cách 2 có tác dụng hiệu quả hơn hẳn, giúp mình làm bài nghe dễ dàng và đạt điểm cao hơn.
P/S: Đây là những kinh nghiệm khi thi nghe Topik của mình. Hy vọng sẽ giúp ích nhiều cho các bạn. Chúc các bạn ôn thi và làm bài thi tốt nhất!!