Câu 1- 8 là những câu dễ nhất trong đề đọc Topik và dễ ăn điểm. Vì thế bạn nên cố gắng lấy điểm trọn vẹn của những câu này. Mình sẽ chia sẻ với các bạn cách ôn luyện và cách làm câu 1- 8 trong đề đọc Topik mà mình rút ra được trong quá trình ôn và đi thi Topik nhé.

Tài liệu ôn thi

Đầu tiên là câu 1 – 8 trong đề đọc Topik II từ kỳ 35 đến giờ. Mỗi năm có 4 kỳ thi Topik nhưng chỉ phát hành 1 đề Topik trên mạng. Nên đến hiện tại chỉ có đề Topik 35, 36, 37, 41, 52, 64 (tính đến tháng 8/2020). Nguồn thứ hai là câu 31 – 34 trong đề Topik trung cấp từ kỳ 34 trở về trước. Mình thì ôn đề Topik trung cấp từ kỳ 22 – 34.

Mình làm đi làm lại những câu này, có từ mới thì tra nghĩa, vừa tra vừa học luôn. Tính hơi lười nên mình không hệ thống từ vựng vào một cuốn sổ để học như các bạn khác vẫn làm. Mình tra nghĩa, viết luôn vào đề Topik, có những từ tra đi tra lại 4 – 5 lần nên tự nhiên là nhớ; hoặc có thời gian là mình đem đề Topik ra đọc (như kiểu đọc sách) rồi dần dần nhớ được. Các bạn có thể tìm cách học từ vựng phù hợp với bản thân nhé.

Về ngữ pháp phục vụ cho câu 1 – 4, mình học từ sách Tiếng hàn tổng hợp từ quyển 1 đến quyển 6 và xem thêm ngữ pháp trên mạng. Mình tổng hợp thành một file, sau đó in ra để lúc cần học cho tiện.

Cách làm bài

Câu 1- 2: Điền ngữ pháp phù hợp vào chỗ trống

Bạn đọc hiểu nội dung của câu đề bài, sau đó nhìn đáp án để chọn ngữ pháp phù hợp điền vào đó. Tùy vào nghĩa câu đề bài mà chọn ngữ pháp đúng. Lưu ý: Nếu bạn không hiểu nghĩa được câu này thì sẽ không chọn được đáp án đâu.

Câu 3 – 4: Chọn ngữ pháp tương tự với phần được gạch chân.

Câu này là chọn ngữ pháp tương tự với ngữ pháp trong phần gạch chân nên các bạn cần học nhiều ngữ pháp để làm được câu này. Khi làm đề lúc ôn Topik thì mình vẫn đọc hết cả câu đề bài rồi mới chọn đáp án. Nhưng lúc đi thi, mình chỉ đọc phần gạch chân rồi chọn đáp án để tiết kiệm thời gian. Vì thực ra chỉ cần chọn đáp án có ngữ pháp tương tự với ngữ pháp trong phần gạch chân là được. Nếu mình chưa biết ngữ pháp trong phần gạch chân thì sẽ đọc cả câu để đoán nghĩa. Sau đó, sử dụng phương pháp loại trừ trong 4 đáp án để chọn đáp án phù hợp nhất.

Câu 5 – 8: Chọn chủ đề của nội dung trong đề bài

Phần đề bài này sẽ được cho vào khung hình chữ nhật, nội dung và từ vựng hầu hết là liên quan đến sinh hoạt hàng ngày, kiến thức khoa học thường thức.

Để làm được dạng bài này, mình học nhiều từ vựng, chính là từ vựng trong câu 5 – 8 của đề topik II từ lần 35 trở đi và câu 31 – 34 từ đề 34 trở lại; từ vựng trong cả đề Topik. Cứ làm đi làm lại những câu này giúp mình tích lũy từ vựng, cứ nhìn thấy những từ vựng đó trong đề bài là biết nó nói về cái gì và phải chọn chủ đề nào trong đáp án.

Cách làm: Khi làm đề lúc ôn Topik và lúc đi thi, mình đều áp dụng cách làm như sau để tiết kiệm thời gian:

– Đọc đáp án trước rồi mới đọc đề bài.

– Gạch chân/ khoanh tròn keyword – từ khóa trong đề bài.

– Căn cứ vào từ khóa đó sẽ chọn chủ đề trong đáp án. Bởi vì từ khóa đó sẽ liên quan chặt chẽ với 1 chủ đề xuất hiện trong đáp án.

– Trong đề bài có thể xuất hiện từ mới mà bạn không biết nhưng đừng lo. Vì nhìn vào 2, 3 từ khóa khác bạn cũng có thể đoán được nghĩa của nội dung đề bài.

Ví dụ: Câu 5 trong đề đọc Topik II lần 47

Từ khóa trong đề bài sẽ là: 비타민, 야채, 한 병 và nhìn vào đáp án sẽ thấy nó liên quan chặt chẽ đến đáp án 1 . 주스

Câu 5 trong đề đọc Topik II lần 36

Từ khóa trong đề bài là 신선도, 온도, 조절. Lúc đầu làm, chưa tra nghĩa từ mới mình chỉ biết 신선: tươi ngon, 온도: nhiệt độ nên đoán sẽ liên quan đến đáp án 2 là 냉장고. Những từ còn lại là 컴퓨터 , 선풍기, 세탁기  thì không thể liên quan đến sự tươi ngon và nhiệt độ được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *