Nghe là kỹ năng khó nên khiến nhiều bạn thấy chán nản khi luyện kỹ năng này vì nghe mãi không được, nghe nhiều mà vẫn không tiến bộ. Mình cũng từng bị tình trạng này và chán nản vô cùng vì nghe mãi mà như vịt nghe sấm. Và mình đã tìm cách cải thiện và thấy kỹ năng nghe đã tăng lên đáng kể. Thậm chí bây giờ mình còn thích nghe tiếng Hàn là đằng khác, nghe cả ngày cũng được. Dưới đây là cách mình cải thiện kỹ năng nghe tiếng Hàn.
1/ Bổ sung từ vựng, ngữ pháp
Nguyên nhân khiến các bạn nghe kém là thiếu từ vựng và ngữ pháp. Mình bổ sung từ vựng, ngữ pháp bằng cách: Học trong giáo trình, đọc báo, đọc truyện nếu thấy từ vựng, ngữ pháp nào mới thì ghi lại để tìm hiểu và tra nghĩa. Bên cạnh đó, hãy luyện khả năng đoán nghĩa từ vựng dựa vào ngữ cảnh trong bài nghe hoặc dựa vào từ Hán Hàn.
Các bạn có thể ghi từ vựng, ngữ pháp học được một quyển sổ để hàng ngày lôi ra học lại. Mình thì lười nên chỉ tra nghĩa thôi và học luôn lúc đó; lần sau gặp từ vựng, ngữ pháp đó nếu không nhớ nghĩa thì lại tra nghĩa, cứ như thế khoảng năm bảy lần thì nhớ. Học từ vựng càng nhiều càng tốt, có vốn từ vựng phong phú không những giúp bạn nghe tốt mà giao tiếp cũng dễ dàng hơn.
2/ Xem lại phát âm tiếng Hàn
Có điều lạ là có những từ mình học cả hàng chục lần rồi, biết thừa nó là từ nào mà khi gặp từ đó trong bài nghe vẫn tưởng là từ mới. Thì ra là do mình phát âm sai. Ở một số trung tâm tiếng Hàn, giáo viên dạy phần phát âm rất qua loa hay thậm chí là giáo viên cũng phát âm sai luôn. Và hệ quả là học viên cũng phát âm sai loảng xoảng.
Phát âm sai nên không nghe được hoặc nghe kém là điều đương nhiên. Mình cũng từng phát âm sai, dù không phải là phát âm sai toàn bộ. Và mình đã xem các video hướng dẫn phát âm, biến âm, nối âm trên Youtube rồi học theo và dần chỉnh sửa phát âm của mình. Bây giờ, khi nghe nếu bắt gặp ngay cả những từ mới thì vẫn có thể đoán được nó là âm thường, âm căng hay bật hơi.
3/ Chọn bài nghe phù hợp với trình độ của bạn
Tiếng Hàn của bạn ở trình độ sơ cấp mà bạn nghe nội dung ở trình độ trung cấp, cao cấp thì không nghe được là đương nhiên. Và vì không nghe được nên bạn càng thấy chán, thấy mình nghe kém và không muốn luyện kỹ năng nghe nữa. Như trước trình độ mình mới giữa sơ cấp 2 mà nghe đề Topik II quả thực là không nghe được chữ nào luôn, kiểu như vừa bị mù chữ lại vừa bị điếc ấy.
Vì thế, bạn nên chọn nội dung nghe phù hợp với trình độ tiếng Hàn của mình. Nếu là sơ cấp thì nghe hội thoại dành cho sơ cấp, phim hoạt hình. Nếu là trung cấp thì có thể nghe nội dung phức tạp hơn như tin tức ngắn, nội dung đơn giản; phim ảnh, nghe nhạc… Và trình độ của bạn đang ở sơ cấp thì học lên cao hơn, lên trung cấp, cao cấp và quá trình này cũng là lúc bạn bổ sung thêm vốn từ vựng, ngữ pháp.
4/ Nghe nhiều
Phải nghe nhiều thì bạn mới quen với tốc độ nói, ngữ điệu, cách ngắt nhịp lên xuống của tiếng Hàn được. Nghe tiếng Hàn mọi lúc mọi nơi nếu có thể sẽ giúp bạn không còn thấy sợ nghe tiếng Hàn nữa. Và nên kết hợp cả hình thức nghe chủ động và nghe bị động. Đừng chỉ nghe mỗi bị động vì bạn không tập trung vào nội dung nào khi nghe thì từ vựng, ngữ pháp trong nội dung đó mãi mãi là từ mới với bạn dù có nghe cả trăm lần.
– Nghe bị động: Nghe tin tức, phim tài liệu, bài hội thoại, file nghe Topik, âm nhạc, phim ảnh bất cứ lúc nào khi bạn đang nấu cơm, dọn nhà, đi tắm, giặt quần áo, đi xe buýt. Cứ để cho file nghe chạy còn bạn muốn làm gì thì làm để cho tai quen dần với tiếng Hàn.
– Nghe chủ động: Chọn một đoạn phim ngắn, tin tức ngắn hay một bài hội thoại và tập trung vào nghe. Xem nó nói về nội dung gì, có từ vựng, ngữ pháp nào mới; vừa nghe vừa nhắc lại bằng tiếng Hàn, dịch ra tiếng Việt hoặc luyện chép chính tả. Có như vậy thì bạn mới học thêm được nhiều từ vựng, ngữ pháp và làm dày thêm vốn tiếng Hàn của mình.