Phương pháp học tiếng Hàn qua phim được nhiều người áp dụng và cực kỳ hiệu quả, giúp tăng khả năng nghe nói và vốn từ vựng. Còn bạn đã xem cả hàng chục bộ phim Hàn, thuộc lòng cả nội dung phim nhưng trình độ tiếng Hàn thì vẫn dậm chân tại chỗ. Đó là do bạn gặp phải một số lỗi sau khiến việc học tiếng Hàn qua phim không hiệu quả.
1/ Mải xem phim quên mất việc học
Lúc mới bắt tay vào học thì hăng hái lắm, chọn bộ phim yêu thích hay phim đang hot và hạ quyết tâm là nhất định vừa xem phim vừa luyện tiếng Hàn. Ban đầu còn để ý xem nhân vật nói từ tiếng Hàn này là gì, phát âm, sử dụng ra sao; sau đó thì quên chỉ tập trung vào xem phim vì phim hay quá. Xem hết 1 tập rồi 2 tập, rồi là cả bộ phim mà vẫn chưa luyện được câu tiếng Hàn nào tử tế, bài bản.
Đây là do các bạn chưa kỷ luật, quyết tâm khi học tiếng Hàn qua phim nên mải mê, sa đà vào việc giải trí mà quên mất việc học. Thế nên lần nào cũng định là chọn phim nào hấp dẫn để có hứng học rồi thì quên luôn mất việc học và chỉ phiêu theo phim.
Để tránh tình trạng này, mình hay chọn những phim cũ, chiếu từ vài năm trước cũng được vì có cần cập nhật phim hay đâu, chỉ cần luyện tiếng Hàn là được mà. Và lúc xem phim, phải luôn nhớ mục tiêu là xem phim để học, chứ không phải đề giải trí.
2/ Cày nhiều phim nhưng không tập trung
Nhiều bạn nghĩ rằng phải xem nhiều phim Hàn thì mới học được nhiều từ vựng, câu giao tiếp tiếng Hàn. Càng xem nhiều thì càng học được nhiều. Có câu “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nghĩa là quý chất lượng hơn là số lượng. Bạn xem nhiều phim, nhưng phim nào cũng xem qua loa, hời hợt, không tập trung vào xem kỹ bất cứ tập phim, bộ phim nào.
Không dành thời gian chú ý xem ngữ điệu, phát âm của nhân vật thế nào; nhân vật sử dụng câu nói đó trong hoàn cảnh giao tiếp nào. Nên kết quả là cũng không tiếp thu được chút kiến thức nào qua cách học cưỡi ngựa xem hoa đó.
Thay vì xem nhiều phim thì bạn nên tập trung xem 1 tập phim, một vài tập hay một bộ phim còn hiệu quả hơn rất nhiều. Xem đi xem lại từng đó tập phim giúp bạn thuộc lòng nội dung, các câu nói của nhân vật, có nhiều thời gian để nghiền ngẫm, tìm hiểu từ vựng, ngữ điệu, cách phát âm và học theo. Nếu bạn thấy xem mãi 1 đoạn phim, 1 tập phim thấy chán thì chuyển sang xem một vài tập phim sẽ đỡ chán hơn.
3/ Mải đọc phụ đề tiếng Việt
Làm thế nào mà không nhìn phụ đề được khi mà phim có phụ đề tiếng Việt chứ. Mải nhìn phụ đề để hiểu xem nhân vật nói gì nên bạn không chú ý được nhân vật phát âm, ngắt nghỉ, lên xuống câu nói thế nào.Thế nên, xem hết cả 1 tập phim là bạn đã mệt nhoài rồi vì phải tập trung nhìn phụ đề đến chảy cả nước mắt, còn đâu nữa mà luyện nghe nói nữa.
Để khắc phục tình trạng này, mình thường làm như sau:
– Lần đầu tiên thì xem phim với phụ đề tiếng Việt.
– Lần thứ hai thì xem phim với phụ đề tiếng Hàn (nếu có). Nếu không có phụ đề tiếng Hàn thì phải đoán từ nghĩa tiếng Việt và phát âm của nhân vật rồi tra từ điển.
– Lần thứ ba là xem phim không có phụ đề, lúc này có thể tập trung vào nội dung phim và lời của nhân vật mà không cần bận tâm nhìn phụ đề. Cứ xem đi xem lại thật nhiều lần, những đoạn nào không nghe được thì lại bật phụ đề lên.
4/ Không luyện nói theo
Trước đây, mình từng học tiếng Hàn qua phim bằng cách chỉ nghe nhân vật nói; tìm hiểu xem từ đó, câu đó nghĩa là gì chứ không bao giờ nói theo. Mình thường chỉ hình dung trong đầu câu nói đó chứ không bật ra thành lời nên được vài bữa là quên ngay, cũng không vận dụng được vào khi giao tiếp luyện nói tiếng Hàn.
Sau mình đổi cách học: Mỗi lần xem phim sẽ luyện nói theo nhân vật. Câu nào nhớ và nói trôi chảy rồi thì nói đồng thời với tốc độ của nhân vật, câu nào chưa nhớ thì đợi nhân vật nói xong thì mình sẽ nhắc lại. Rồi cố gắng bắt chước ngữ điệu, biểu cảm của nhân vật và khi luyện nói mình cũng diễn lại theo biểu cảm đó.
Quan trọng là các bạn phải bật câu nói ra thành lời, đừng chỉ hình dung trong đầu. Có như vậy mới nghe được phát âm, ngữ điệu của mình xem nó khủng khiếp đến mức độ nào để mà sửa. Mặt khác, khi học ngoại ngữ, nếu mà nói ra thành lời, thành âm thanh thì não cũng ghi nhớ tốt hơn và lâu hơn.