Bạn nghe tiếng Hàn rất nhiều, nghe cả ngày, ngày nào cũng nghe. Rồi nghe đủ nguồn, từ phim đến nhạc, tin tức nhưng kỹ năng nghe tiếng Hàn vẫn không cải thiện chút nào. Có thể bạn đã mắc phải những lỗi khi luyện nghe tiếng Hàn giống như mình từng mắc phải.

1. Phát âm sai nên nghe cũng sai

Phát âm là một trong những phần quan trọng nhất khi học tiếng Hàn nhưng lại thường không được chú ý. Mình đã từng học qua 2 trung tâm tiếng Hàn và thật éo le là cả 2 trung tâm đó đều dạy phần phát âm rất qua loa.

Ở trung tâm thứ nhất, giáo viên còn không thèm dạy phát âm luôn, chỉ dạy qua cho học viên đọc xong bảng chữ cái là được. Trung tâm thứ hai thì giáo viên có dạy phát âm nhưng dạy sai hết. Và kết quả là phát âm của mình cũng sai tè le hột me hết. Cũng may là sau đấy mình xem mấy video dạy phát âm trên Youtube, xem phim, thời sự tiếng Hàn nên dần dần sửa lại phát âm.

Phát âm sai sẽ làm bạn nghe sai, không nghe được; người Hàn nói gì bạn cũng không hiểu, mà bạn nói gì thì người Hàn cũng không hiểu. Âm nào phải lên giọng xuống giọng, âm nào âm thường, âm căng, âm bật hơi thì bạn cũng sẽ không phân biệt được. Phát âm sai nên ngay cả những từ bạn đã biết, đã học cả chục lần nhưng vẫn không nghe được.

2. Chỉ áp dụng phương pháp tắm ngôn ngữ

Tắm ngôn ngữ là phương pháp kinh điển được áp dụng khi học tất cả mọi ngoại ngữ, trong đó có tiếng Hàn. Tức là bạn mở những file nghe, video tiếng Hàn để có thể nghe mọi lúc mọi nơi mà không cần quan tâm nó nói về nội dung gì. Cách nghe bị động này giúp tai bạn quen dần với tiếng Hàn, quen với ngữ điệu, phát âm và tốc độ nói của người Hàn. Nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp, chát chít, học bài, làm việc… bạn đều có thể nghe tiếng Hàn mà chẳng cần để ý nội dung làm gì.

Trước đấy, mình cũng áp dụng phương pháp này khi luyện nghe tiếng Hàn. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài mà khả năng nghe không được cải thiện chút nào. Vì sao lại thế? Đó là mình nghe suốt ngày, nghe hết nội dung này đến nội dung khác nhưng không tập trung nghe bất cứ nội dung nào.

Nội dung những video đó đều là từ vựng, ngữ pháp mới đối với mình, nhưng mình không chú tâm nghe, tìm hiểu ngữ pháp, từ vựng của bất cứ nội dung nào hết. Thế nên, cho dù mình nghe cả trăm lần thì vẫn là ngữ pháp, từ vựng mới và chẳng hiểu nó nói cái gì. Kết cục là khả năng nghe tiếng Hàn của mình chẳng tăng lên chút nào.

3. Luyện nghe thì ít mà phiêu theo phim, nhạc thì nhiều

Lỗi này hay gặp khi luyện nghe qua phim, nghe nhạc hay mấy chương trình thực tế. Ban đầu thì hừng hực khí thế xem phim để luyện nghe, bắt chước nói theo diễn viên. Nhưng rốt cuộc xem hết tập phim này đến tập phim khác, xem hết phim này đến phim khác mà kỹ năng nghe nói vẫn không tăng lên.

Có câu “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức là chất lượng quan trọng hơn số lượng. Thay vì xem nhiều phim, các bạn nên xem đi xem lại 1 bộ phim hoặc 1 tập phim sẽ tốt hơn. Lắng nghe xem diễn viên nói gì, phát âm, lên giọng xuống giọng thế nào; từ vựng, sử dụng câu nói đó trong tình huống giao tiếp nào.

Cách luyện nghe theo phim của mình là xem đi xem lại  1 đoạn ngắn trong 1 tập phim hoặc xem 1 tập phim hay vài tập phim. Có 1 đoạn phim 15 phút mà mình xem đến cả mấy chục lần. Lần đầu tiên không nghe thấy diễn viên nói gì hết, đến lần thứ hai, thứ ba nghe được vài từ, đến những lần sau thì nghe được cả câu; từ nào không nghe được thì bỏ qua và tự nhiên đến lần sau lại nghe được. Nghe xong thì bắt chước nói theo những từ, những câu của diễn viên. Lúc nào nói chuyện một mình hoặc nói chuyện với bạn luyện giao tiếp thì đêm những câu đã học được ra để nói.

4. Nghe nhưng không tập trung, không biết mình đang nghe gì

Lỗi này không chỉ thường gặp khi luyện nghe tiếng Hàn mà nhiều người đi thi Topik cũng dễ gặp phải tình trạng này. Đang nghe ngon trớn nhưng tự nhiên đầu óc lảng sang suy nghĩ khác, thế là từ những đoạn sau không nghe được chữ nào cả. Hoặc bạn nghe được nhưng nghe xong thì quên sạch như bị tẩy não, không nhớ được ý nào hết.

Đây là do bạn bị mất tập trung khi nghe. Mình cũng rất hay bị tình trạng mất tập trung khi nghe tiếng Hàn và đã khắc phục bằng cách như sau. Khi nghe tiếng Hàn, tuyệt đối không vào facebook, chát với ai hết; nếu đầu óc nghĩ linh tinh thì lập tức chặn suy nghĩ đó lại và kéo mình trở lại bài nghe. Để tránh bị quên ý khi nghe, kể cả khi luyện nghe hay đi thi Topik, mình note lại những nội dung quan trọng vừa nghe. Vừa nghe vừa note lại nội dung, nếu note không kịp thì nhấn nút tạm dừng; sau khi nghe hết nội dung và note xong sẽ nghe lại toàn bộ nội dung một vài lần nữa để tóm lại nội dung mình vừa nghe, ghi nhớ trong đầu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *