Học tiếng Hàn được vài tháng, có khi được vài năm thì bỗng nhiên một ngày bạn thấy không còn chút động lực, hứng thú nào khi học tiếng Hàn. Bạn băn khoăn tự hỏi liệu mình có sai khi chọn học tiếng Hàn hay không? Mình có nên tiếp tục theo đuổi học tiếng Hàn nữa hay không? Hay là chuyển sang học ngoại ngữ khác? Bạn mấtđộng lực học tiếng Hàn chính là do một trong những lý do sau.

1/ Học mãi không thấy tiến bộ

Học được một thời gian, bạn thấy trình độ tiếng Hàn của mình không tiến bộ chút nào. Dù học rất nhiều, ôn tập rất nhiều nhưng cứ học trước quên sâu, trình độ dậm chân tại chỗ làm bạn càng thêm chán nản, muốn bỏ tiếng Hàn.

Có thể là do phương pháp học của bạn chưa đem lại hiệu quả, khiến bạn không nhớ được hay không vận dụng được kiến thức đã học. Lúc này, hãy thử đổi phương pháp học xem sao. Thay vì chỉ học trong sách thì hãy đọc thêm tin tức, xem phim, xem mấy video hài hàn xẻng, viết nhật ký, tìm người Hàn nói chuyện, tham gia câu lạc bộ nói tiếng Hàn. Vân vân và mây mây, đổi cách học sẽ hiệu quả hơn và làm bạn hứng thú học hơn đấy.

Hoặc có thể là do bạn mong tiếng Hàn của mình thật nhanh giỏi, muốn học thật nhanh nhưng thực tế khả năng tiếng Hàn lại không được như mong muốn làm bạn mất động lực. Có câu “Dục tốc bất đạt”, đừng đốt cháy giai đoạn. Hạt giống muốn thành cây cao sừng sững phải có thời gian ủ mầm, mọc mầm và sinh trưởng.

Cũng vậy, không phải một tháng, hai tháng hay một năm là bạn giỏi tiếng Hàn mà cần thời gian luyện tập, sử dụng, tích lũy mỗi ngày. Quy luật là lượng tăng thì chất sẽ tăng, khi bạn tích lũy một lượng kiến thức đủ thì trình độ tiếng Hàn cũng theo đó tăng lên.

2/ Thấy thua kém người khác

Bạn có thể mất động lực khi học tiếng Hàn vì thấy thua kém bạn cùng lớp hãy những người khác cũng học tiếng Hàn. Có thể cũng có người ghen tỵ với bạn vì bạn giỏi hơn họ đấy. Còn những người giỏi hơn bạn thì đã cố gắng đến mức nào, học nhiều hơn bạn gấp bao nhiêu lần mà bạn không biết? Khi bạn xem phim, lướt facebook, chém gió với bạn bè, đi cafe, mua sắm hay đang đánh một giấc ngủ ngon lành thì họ đang cặm cụi ngồi học.

Tâm lý hơn thua là điều bình thường nhưng nên biến thành động lực để bạn cố gắng hơn là ganh đua tiêu cực, thấy mình kém cỏi nên không muốn cố gắng nữa. So sánh với họ để thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa, phải giỏi hơn nữa mới có thể mong muốn tìm được cơ hội tốt với tiếng Hàn.

Và quan trọng hơn nữa là hãy cố gắng giỏi hơn chính mình bây giờ chứ không phải giỏi hơn người khác. Cố gắng từng chút một để mình của ngày mai sẽ giỏi hơn hôm nay, tuần sau, tháng sau, năm sau sẽ giỏi hơn mình của trước đó.

3/ Không đạt mục tiêu mình đề ra

Bạn không đạt được mục tiêu thi đỗ Topik mình đề ra hay mục tiêu đạt điểm cao nhất trong lớp học tiếng Hàn thì sẽ khiến bạn sinh tâm lý chán nản, mất động lực học tiếng Hàn.

Có thể mục tiêu đó vượt quá sức của bạn nên chưa thể đạt được. Ví dụ như bạn mới học hết sơ cấp 2 mà mục tiêu lại muốn đạt Topik 4 thì đương nhiên là khó rồi. Hoặc học đến trung cấp mà muốn đỗ Topik cao cấp 4, 5 thì mục tiêu không hề thực tế chút nào. Có thể bạn cố gắng chưa đủ hay chỉ mơ về mục tiêu mà chưa bắt tay vào thực hiện.

Bạn hãy thử cách này xem sao: Viết mục tiêu bạn muốn đạt được vào một quyển sổ, tờ giấy để nhìn rõ mục tiêu mình muốn đạt được. Rồi chia mục tiêu lớn đó thành các mục tiêu nhỏ, lên kế hoạch thực hiện và tuân thủ chặt chẽ theo kế hoạch đó. Chỉ nhìn vào mục tiêu đó rồi cố gắng và đến một lúc bạn thấy rằng mình đã đạt được mục tiêu đó mà không hay. Nếu bạn chưa đạt được mục tiêu đó thì cũng đừng nản chỉ, hãy tha thứ và cổ vũ cho bản thân. Bạn đã làm tốt rồi, lần sau cố gắng hơn và nhất định sẽ làm được.

4/ Không thấy tương lai khi học tiếng Hàn

Học tiếng Hàn được một thời gian, có thể bạn sẽ thấy tương lai thật mù mịt. Càng học càng thấy khó, người giỏi tiếng Hàn vô kể, rồi không biết mình sẽ làm gì với tiếng Hàn đây. Không phải chỉ mỗi tiếng Hàn mà các ngoại ngữ khác hay học các ngành nghề khác, nhiều khi sẽ thấy mông lung, không biết đời mình trôi về đâu, có tìm được việc làm không.

Trước khi học, bạn nên tìm hiểu kỹ về cơ hội việc làm với tiếng Hàn. Hãy hỏi những người đi trước, thầy cô dạy tiếng Hàn để được tư vấn rõ hơn, giúp bạn hình dung tương lai mình sẽ làm gì nếu có tiếng Hàn.

Cũng đừng đứng núi này trông núi nọ. Nhiều người đang làm ngành khác, học ngoại ngữ khác thấy tiếng Hàn có nhiều cơ hội việc làm nên nhảy sang học. Hoặc những người học tiếng Hàn lại thấy những ngoại ngữ khác có nhiều cơ hội việc làm hơn nên lại chuyển sang học ngoại ngữ khác.

Đương nhiên, biết nhiều ngoại ngữ thì càng tốt, càng có nhiều cơ hội và ngoại ngữ này lại bổ trợ cho ngoại ngữ khác. Nhưng hãy học một ngoại ngữ cho tốt đã rồi hãy tính đến học ngoại ngữ khác. Đừng có cái gì cũng biết một ít nhưng lại không dùng được để làm việc gì. Học tiếng Anh thấy khó lại nhảy sang học tiếng Hàn, học tiếng Hàn thấy khó lại nhảy sang học tiếng Trung. Rốt cuộc thì sẽ giống như anh chàng ngồi đẽo cày giữa đường; vừa mất công vô ích, tốn thời gian lại không làm được việc gì.

* Khi bạn mất động lực học tiếng Hàn hãy thử một vài cách sau:

– Hãy dừng lại một chút, nghỉ ngơi vài ngày để giải tỏa tâm lý rồi bắt tay vào học tiếp.

– Hãy tìm cách học thú vị, hiệu quả hơn giúp bạn tăng hứng thú khi học.

– Bạn muốn giỏi tiếng Hàn thì không chỉ học trong vài tháng, 1 năm, 2 năm đã giỏi luôn được. Nhất là khi bạn không có năng khiếu, lại chưa nỗ lực thật nhiều.

– Tìm động lực để thúc đẩy bản thân, xem người giỏi tiếng Hàn đã nỗ lực ra sao, đã làm được những gì, giúp tiếp thêm cho bạn sức mạnh để phấn đấu làm được như họ.

– Nếu muốn từ bỏ thì hãy hỏi tại sao mình học tiếng Hàn, nếu từ bỏ thì mình có tiếc nuối không.

– Nếu đã chọn thì hãy kiên trì với lựa chọn đó. Không có gì là dễ dàng cả. Nếu dễ thì tất cả mọi người đều đã làm được, mọi người đều đã giỏi hết rồi. Hãy động viên bản thân như vậy, tìm lại nguồn động lực và bắt tay vào học, cố gắng tiếp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *