Kỹ năng nghe là kỹ năng mình yếu nhất khi học ngoại ngữ từ hồi trung học và là phần sợ nhất khi đi thi. Đến khi học tiếng Hàn cũng vậy. Mình chỉ nghe được mỗi file nghe trong sách Tiếng hàn tổng hợp sơ cấp vì nói chậm, nội dung đơn giản. Ngoài sách đó ra là mình chẳng nghe được chữ nào, kể cả mấy phim hoạt hình dành cho trẻ mẫu giáo nói siêu chậm.
Thiếu đâu bổ sung đó, yếu phần nào phải năng tập luyện phần đó. Vì thế mình quyết tâm phải tăng kỹ năng nghe tiếng Hàn bằng mọi cách. Tìm kiếm, mày mò mọi phương pháp phù hợp nhất với mình để cải thiện kỹ năng nghe.
Và thực sự đã phát huy hiệu quả, nhất là khi đi thi Topik. Lần đầu tiên đi thi mình chỉ được 34 điểm (Chọn bừa đáp án chứ không nghe nổi một chữ nào), mình đã nâng điểm nghe lên được 84 điểm. Mình sẽ chia sẻ với các bạn nguồn tài liệu mình dùng để tăng kỹ năng nghe tiếng Hàn và cách mình ôn luyện thế nào nhé.
1. Nguồn tài liệu giúp mình tăng kỹ năng nghe tiếng Hàn
– Giai đoạn 1:
Sách Tiếng hàn tổng hợp trình độ sơ cấp – mình bắt đầu học theo sách này nên nghe theo file trong sách luôn. Tốc độ nói chậm, phát âm rõ, nội dung đơn giản, rất ít từ mới nên nghe rất dễ.
Phim hoạt hình 꾸꾸야야의 생활습관동화 về 2 học sinh mẫu giáo tên là 꾸꾸 và 야야. Nội dung phim, từ vựng, cấu trúc đơn giản. Nhân vật nói khá chậm, lời thoại ít và ngắn.
– Giai đoạn 2:
Mình thích xem phim hoạt hình nên tìm trên Youtube để xem. Mình cứ vào Youtube và gõ “Học tiếng hàn qua phim hoạt hình” là ra những phim hoạt hình có cả phụ đề tiếng Hàn và tiếng Việt. Những phim này đều lấy trên kênh핑크퐁 của Hàn Quốc . Sau đó, mình tự vào kênh 핑크퐁 và tìm phim hoạt hình mình thích, thấy phim nào ngắn khoảng 3 – 4 phút thì xem, dài quá thì thôi vì xem mệt lắm.
– Giai đoạn 3:
Mình luyện nghe bằng đề Topik II, phim hoạt hình Hello Jadoo (tên tiếng Hàn là안녕자두야. Khi tìm kiếm trên Youtube, bạn có thể gõ Hello Jadoo/ Annyong Jadoo/ Xin chào Jadoo đều được và sẽ có phụ đề tiếng Việt. Còn nếu gõ안녕자두야 thì không có phụ đề nào hết. Mình nghe suốt ngày; vừa nghe kiểu chủ động vừa nghe kiểu bị động.
– Giai đoạn 4:
– Tin tức: Nghe tin tức của đài JTBC, KBS, SBS, YTN.
– Xem phim: Xem phim có phụ đề tiếng Việt hoặc không có phụ đề. Mình thường xem đi xem lại 1 tập phim, 1 vài tập phim hoặc 1 bộ phim chứ không xem hết phim này đến phim khác vì mục đích là để học chứ không phải giải trí.
– Chương trình giải trí, phát triển bản thân: Bài thuyết trình của những người thành công, có ảnh hưởng trong xã hội trên kênh Sebasi Việt Nam (có phụ đề Hàn + Việt) hoặc kênh của Hàn Quốc세바시 강연 Sebasi Talk (xem phụ đề Hàn bằng tính năng bật phụ đề); Running Man, The Return of Superman.
2. Phương pháp mình luyện nghe
– Luyện lại phát âm: Vì lúc học ở trung tâm, nhiều chỗ giáo viên dạy phát âm sai be bét nên mình phải sửa lại phần phát âm. Mình hay vào video dạy phát âm của kênh Wonder Hu để luyện. Các bạn vào Youtbe search là ra ngay. Phát âm đúng thì mới nghe đúng được.
– Chọn tài liệu phù hợp với trình độ nghe: Trình độ sơ cấp thì mình chỉ nghe xem những video đơn giản, nói chậm thôi. Còn trình độ sơ cấp mà các bạn lại tham lam nghe những video nội dung phức tạp, nói như gió thì sẽ thấy khó và nản ngay.
– Tách biệt rõ ràng giữa việc xem video để luyện nghe và giải trí: Điều này đòi hỏi tính kỷ luật. Lúc mình xem video để luyện nghe thì chỉ tập trung vào mục đích học, nắm bắt từ vừng, ngữ pháp, cách phát âm. Còn khi xem để giải trí thì chỉ xem cho vui thôi. Nhưng bây giờ mình lại mắc “bệnh” đó là dù xem phim Hàn, show Hàn để giải trí hay gặp người Hàn ngoài đường cứ cố gắng dỏng tai lên xem người ta nói cái gì.
– Xem đi xem lại một tập phim/ một vài tập phim: Có thể bạn xem cả 5 – 7 bộ phim rồi vẫn không nghe được mấy vì chỉ mải nhìn sub tiếng Việt và ngắm trai xinh gái đẹp và sa đà luôn vào việc giải trí thay vì học.
Nhiều bạn có cách học là chia tập phim thành những đoạn ngắn 5 – 10 phút rồi xem đi xem lại đoạn phim ngắn đó. Mình đã thử áp dụng cách này nhưng có vẻ không phù hợp với mình vì thấy rất chán và không hiệu quả.
Để tránh sa đà vào xem phim để giải trí, mình hay xem đi xem lại 1 tập phim hoặc vài tập phim của bộ phim đó. Mình thường chọn tập phim mình thích để xem rồi học. Xem tập phim đó rất nhiều lần, đoạn này hay từ này chưa nghe được thì đến lần thứ 5, 6 hay lần thứ 10 sẽ nghe được.
– Nói theo diễn viên trong phim: Mình hay nói theo những câu thoại ngắn của diễn viên trong phim. Hoặc câu thoại nào dài quá thì chép ra, tập đọc, khi nào đọc trôi chảy rồi thì tập nói, nói đi nói lại rồi nhớ lại xem diễn viên lên xuống giọng thế nào rồi cố bắt chước.
– Chép chính tả, viết lại và nói lại theo cách diễn đạt của mình: Cách này mình áp dụng khi nghe tin tức. Mình chọn những tin ngắn khoảng 2 phút, nghe từng câu rồi chép ra giấy, chỗ nào không biết thì để trống hoặc đoán từ, tra nghĩa; sau đó so sánh với phần tin tức bằng văn bản. Hoặc chán cách chép chính tả thì mình nghe tin, ghi lại các ý rồi viết lại và nói lại theo cách diễn đạt của mình.