Lúc mới bắt đầu ôn thi Topik, mình rất băn khoăn với câu hỏi này. Không biết tự ôn Topik ở nhà hay ôn thi Topik ở trung tâm thì mới hiệu quả. Và mình đã thử qua cả 2 cách ôn thi này. Mình sẽ chia sẻ cho các bạn chuyện ôn Topik của mình ở trung tâm để các bạn tham khảo, chọn được cách ôn phù hợp nhé. Lần sau mình sẽ chia sẻ cách mình tự ôn thi Topik nhé.

Tháng 4 năm 2016 có kỳ thi Topik nên mình đăng ký lớp ôn thi Topik ở trung tâm vào cuối tháng 2. Có khoảng 2 tháng để ôn thi. Trình độ lúc đó của mình là: Học hết bài thứ 8 của sơ cấp 2 Giáo trình tiếng hàn tổng hợp cho người Việt và Quyển Fun fun Korean Trung cấp 1 (재미있는 한국어).

Mình định đăng ký thi Topik I nhưng cô giáo ở trung tâm bảo rằng Topik I rất dễ, nếu thi sẽ rất phí tiền và thời gian (Mục tiêu của mình là Topik II cấp 4). Thế nên mình “chơi trội” luôn, đăng ký Topik II và đăng ký lớp ôn thi Topik II ở trung tâm luôn. Chuỗi ngày ôn thi “cưỡi ngựa xem hoa” bắt đầu.

+ Giáo viên: Là nam, sinh viên khoa tiếng Hàn mới đi du học ở Hàn Quốc theo diện trao đổi 1 năm. Thầy giỏi, kiến thức vững nhưng có lẽ là sinh viên, chưa có nhiều kinh nghiệm dạy tiếng Hàn, ôn thi Topik nên mình thấy ôn thi cũng không hiệu quả lắm.

+ Số học viên trong lớp: Khoảng 30 người, đủ các trình độ. Sơ cấp như mình cũng có, trung cấp cũng có.

+ Tài liệu ôn thi: Phần ngữ pháp, thầy tổng hợp ngữ pháp từ quyển 1 đến quyển 6 của giáo trình Tiếng hàn tổng hợp, một số thành ngữ, quán dụng ngữ trong tiếng Hàn rồi in ra, đưa cho học viên. Đề thi Topik: Đề trung cấp từ lần thứ 27 đến 34, đề Topik II 35, 36, 37, 41. Thầy cũng tổng hợp một loạt các cấu trúc thường trong câu 53 của đề viết.

+ Cách ôn thi cho học viên:

Hai buổi đầu tiên là thầy đọc qua các ngữ pháp, thành ngữ, quán dụng ngữ (tài liệu đã đưa cho học viên) để học viên nắm được. Ngữ pháp sơ cấp mình còn hiểu, đến phần ngữ pháp trung cấp trở đi là như kiểu “vịt nghe sấm”.

Ngồi nghe như kiểu mù chữ lại còn bị điếc, không hiểu gì. Thầy cứ tua một tràng, giải thích ngữ pháp đó có nghĩa là gì, đọc thêm một vài ví dụ, còn mặc kệ học viên có hiểu hay không. Có thể vì thời gian ôn thi rất ngắn, thầy cũng mặc định là học viên trình độ từ trung cấp trở lên mới theo ôn thi Topik II. Nhưng đâu ngờ có cả thành phần học đến sơ cấp cũng “đua đòi” ôn thi như mình.

Từ các buổi sau, thầy cho học viên làm đề thi: Nghe, đọc, viết.

Đề nghe: Học viên tự nghe ở nhà rồi đến lớp sẽ chữa bài. Hoặc thầy cho nghe ở lớp, sau đó chữa bài. Với từng câu, thầy sẽ đưa ra đáp án, giải thích tại sao chọn đáp án đó (giải thích một chút thôi vì không có nhiều thời gian).

Đề đọc: Học viên làm đề ở nhà, rồi đến lớp chữa bài. Mỗi người sẽ đọc 1 câu, dịch ra tiếng Việt rồi chọn đáp án. Sau đó, thầy đưa đáp án cuối cùng và giải thích tại sao chọn đáp án đó.

Đề viết: Làm đề viết của kỳ thi thứ 35, 36, 37, 41. Học viên tự viết sau đó gửi bài cho thầy chữa. Hầu hết mọi người chỉ làm câu 53 rồi gửi cho thầy cho chữa, rất ít người làm câu 54 (hoặc có thể tự viết ở nhà mà không đưa thầy chữa).

Sau 2 tháng ôn thi Topik ở trung tâm, mình đã rút ra ra những nhận xét và kinh nghiệm như sau:

* Khóa ôn Topik ở trung tâm mang lại cho mình những gì?

– Nắm được các cấu trúc thường dùng trong câu 53 của đề viết. Khi dạy, thầy đã tổng hợp sẵn cho học viên nên từ lần tự ôn thi sau, mình chỉ cần dùng những cấu trúc này là ok, không mất thời gian công sức mày mò để tổng hợp nữa.

– Biết được nguồn ngữ pháp cần ôn để phục vụ cho thi Topik: Ôn ngữ pháp trong giáo trình Tiếng Hàn tổng hợp từ quyển 1 đến quyển 6 là được. Các bạn có thể ôn ngữ pháp theo các giáo trình khác nhưng mình thấy Tiếng Hàn tổng hợp giải thích bằng tiếng Việt nên dễ hiểu hơn với người Việt Nam.

– Nắm sơ qua cách ôn thi Topik ở trung tâm và sau đó mình tự lập kế hoạch, tìm phương pháp ôn thi riêng khi tự ôn Topik.

* Những điểm trừ khi ôn thi Topik ở trung tâm (đối với mình)

– Trung tâm tư vấn không cặn kẽ, sát với trình độ tiếng Hàn của mình khi mình đăng ký luyện thi. Khi mình đăng ký ôn thi Topik II ở trung tâm thì mấy bạn tư vấn rồi giáo viên đều bảo sẽ thi được hết dù mình bảo mới học hết sơ cấp tiếng Hàn.

=> Trước khi đăng ký thi Topik, ôn thi Topik, phải xem tiếng Hàn của mình đang ở trình độ nào. Ở nhiều trung tâm, dù tiếng Hàn của bạn mới ở sơ cấp nhưng khi bạn đăng ký ôn thi Topik II dành cho trung cấp trở lên thì họ vẫn sẽ xếp lớp cho bạn như thường, không tư vấn gì đâu.

Trình độ tiếng Hàn của bạn phải phù hợp với cấp Topik bạn muốn thi. Ví dụ: Trình độ sơ cấp thì nên thi Topik I, trung cấp thì thi Topik II với cấp độ 3, 4; cao cấp thì có thể thi cấp 5, 6. Có như vậy thì khả năng đỗ mới cao. Nếu trình độ sơ cấp mà vẫn muốn thi Topik 3, 4 trở lên thì nên về nhà dùi mài kinh sử đã, khi nào trình độ tăng vù vù thì đăng ký thi cũng chưa muộn.

– Đừng tin mấy bài đăng quảng cáo của các trung tâm kiểu như “Đỗ topik 4 chỉ trong 2 tháng”. Những người đỗ Topik 4 chỉ trong 2 tháng ôn thi thì hầu hết là đã học đến trình độ trung cấp rồi. Có nền tảng kiến thức sẵn nên trong 2 tháng ôn thi là thời gian họ luyện cách làm đề thi, tích lũy thêm từ vựng trong các đề thi Topik. Còn như mình trình độ tiếng Hàn ở mức sơ cấp, từ vựng, ngữ pháp đều yếu thì không thể chỉ ôn thi trong 2 tháng mà đỗ topik 4 được.

– Thầy dạy rất nhanh, kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, phần nào cũng dạy vèo vèo trong khi học viên còn chưa “tiêu hóa” xong. Đi ôn thi Topik làm mình nhớ lại hồi ôn thi cấp tốc đại học 1 tháng. Lớp thì đông, mùa hè nóng bức, phải đến sớm tranh chỗ, ngồi chưa nóng mông thì đã hết giờ. 1 tháng trôi qua không có thêm tí kiến thức nào, cũng không trang bị được kỹ năng hữu ích nào khi đi thi, chỉ còn đọng lại trong đầu là ngày hè nóng nực và lò luyện thi chật như nêm.

=> Kết quả của mình kỳ thi Topik năm 2016: Trượt, không đỗ nổi Topik 3. Sau đó mình tự ôn thi, đăng ký tiếp kỳ thi tháng 11 năm đó và đỗ Topik 4. Đến năm 2018 khi chứng chỉ Topik hết hạn, mình lại đăng ký ôn thi tiếp, lần này cũng là tự ôn thi và đỗ Topik 5 và 6.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *