Câu 25 ~ 27 trong đề đọc Topik là dạng câu chọn lời giải thích đúng nhất với tiêu đề bài báo. Mình sẽ chia sẻ với các bạn cách ôn luyện và cách làm những câu này.
1. Câu 25 ~ 27 là dạng câu hỏi thế nào?
Đề bài là dạng tiêu đề bài báo, thường sử dụng những từ ngữ ẩn dụ. Yêu cầu là chọn lời giải thích đúng nhất với tiêu đề của bài báo. Những từ ngữ ẩn dụ chính là keyword để chọn đáp án, có hiểu được ý nghĩa những từ này thì mới chọn được đáp án đúng.
2. Tài liệu để ôn câu 25 ~ 27
– Đầu tiên chính là câu 25 ~ 27 trong đề đọc Topik II từ kỳ 354 trở lại đây.
– Thứ nữa là câu 31 – 32 đề đọc Topik cao cấp từ kỳ 34 trở về trước.
– Tiêu đề bài báo trên các báo của Hàn Quốc như YTN, Yonhap, Chosun, SBS, MBC News…
3. Cách làm và cách ôn luyện
– Khi làm bài, bạn nên gạch chân các keyword trong tiêu đề bài báo. Nếu bạn không biết nghĩa của các từ này thì nên đoán nghĩa trước để xem khả năng đọc hiểu đến đâu; sau đó tra nghĩa bằng từ điển. Nhiều khi tìm trên từ điển Naver Việt – Hàn không được thì bạn hãy tìm bằng từ điển Hàn – Hàn.
– Tiếp theo, đọc hiểu từng đáp án và thường bạn sẽ loại được 2 đáp án sai. Lúc này, cần đọc kỹ 2 đáp án còn lại để chọn được đáp án là lời giải thích đúng nhất cho tiêu đề bài báo. Phải đọc kỹ 2 đáp án này vì nhiều khi thấy đáp án nào cũng có vẻ đúng. Bạn có hiểu được tiêu đề bài báo nói về nội dung gì thì mới soi vào từng đáp án để chọn ra đáp án đúng.
– Khi đọc các đáp án, cũng nên gạch chân các từ khóa để đọc hiểu cho nhanh và bạn cũng nhìn vào những từ khóa đó xem từ khóa nào có nội dung tương tự với tiêu đề bài báo.
– Khi bạn học qua tiêu đề bài báo cũng vậy, nên gạch chân từ khóa rồi đoán nghĩa hoặc tra nghĩa. Hoặc có thể căn cứ vào nội dung bài báo để đoán nghĩa những từ đó.
– Bạn nên làm đi làm lại các dạng câu này để tích lũy từ mới, luyện kỹ năng làm bài và học được cách phân tích các đáp án nhanh nhất, xem đáp án nào là lời giải thích đúng nhất.
– Kinh nghiệm của mình là khi tra nghĩa từ mới thì nên viết luôn vào đề Topik, đừng ghi ra thành một tài liệu riêng. Ghi luôn vào đề Topik thì mỗi khi xem lại, bạn sẽ học luôn trong ngữ cảnh nó xuất hiện nên hiểu dễ hơn và ghi nhớ lâu hơn. Còn nếu bạn chỉ ghi mỗi từ mới vào cuốn sổ nào đó thì từ mới chỉ là từ riêng lẻ và đã bị tách ra khỏi ngữ cảnh nên sẽ không hiểu được ý nghĩa của nó.