Mới vào làm phiên dịch ở công ty thì học từ vựng công việc ở đâu? Mình sẽ chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm học từ vựng tiếng Hàn khi mới vào công ty của mình.
Vào làm phiên dịch ở công ty, hầu như là các bạn phải tự học từ vựng tiếng Hàn về lĩnh vực của công ty đó. Công ty có sẵn list từ vựng cho phiên dịch mới thì mình chưa hề gặp. Thế nên các bạn chuẩn bị sẵn tinh thần là tự bơi, tự học từ vựng đi nếu chuẩn bị ứng tuyển vào vị trí phiên dịch của công ty Hàn nào đó. Yên tâm. Kiểu gì cũng bơi được, kiểu gì cũng bơi vào bờ được.
Sau đây là kinh nghiệm “bơi”của mình.
1. Tìm trên các hội nhóm tiếng Hàn Facebook
Mình tham gia các nhóm như Hội phiên dịch tiếng Hàn, thỉnh thoảng lượn lờ vào đó để xem các tiền bối, đồng nghiệp tiếng Hàn chia sẻ từ vựng, kiến thức biên phiên dịch tiếng Hàn. Từ nào không biết thì đăng lên nhóm để hỏi. Hay thấy bạn nào chia sẻ từ vựng hay hay, có câu hỏi từ vựng nào mọi người trả lời thì mình ghi vào sổ để sau này có khi cần. Rồi mình theo dõi face của thầy Lê Huy Khoa, Tiếng Hàn pháp lý cũng chia sẻ rất nhiều từ vựng công việc.
Nhưng các bạn cũng đừng mong chờ nhiều vào các nhóm Facebook. Thấy nhiều bạn vào nhóm đăng bài xin list từ vựng tiếng Hàn về lĩnh vực này, lĩnh vực kia nhưng hầu như có rất ít trả lời.
Có những bạn vào trả lời rằng: Mình có list từ vựng lĩnh vực sản xuất điện tử, mua hàng, nhân sự các thứ nhưng đương nhiên là chia sẻ có phí rồi. Vì các bạn ấy bỏ công ra tập hợp, tích lũy trong quá trình làm việc ở công ty Hàn Quốc nên cũng dễ hiểu khi phải bỏ một khoản phí để nhận được list từ vựng đó.
Hoặc là nhiều người cũng tích lũy được kha khá từ vựng tiếng Hàn công việc, nhưng cũng lười khi ngồi tập hợp lại list từ vựng đó. Nên vào các nhóm tiếng Hàn hỏi mọi người chia sẻ list từ vựng thì cũng đừng mong chờ nhiều.
2. Tìm trên Google
Cái gì không biết thì tra Google. Hỏi face không được thì mình vào Google để tìm từ vựng công việc bằng tiếng Hàn.
Đầu tiên là tìm bằng tiếng Việt, ví dụ như gõ “từ vựng tiếng Hàn về xây dựng, từ vựng tiếng Hàn về linh kiện điện tử, từ vựng tiếng Hàn về may mặc…”. Các bạn lưu ý là nếu tìm bằng tiếng Việt thì từ vựng chuyên ngành bằng tiếng Hàn rất ít. Mà hầu như các trang toàn là copy lại của nhau.
Tiếp theo là mình tìm bằng tiếng Hàn: 건설 용어 (từ chuyên ngành xây dựng), 물류 용어 (từ chuyên ngành logistics), 회계 용어 (từ chuyên ngành kế toán)…. Có điều là giải thích cũng bằng tiếng Hàn nên hơi bất tiện một chút.
Tiếp nữa là mình tìm bằng tiếng Anh, sau đó truy ngược ra tiếng Hàn. Có nhiều trang có cả tiếng Anh và tiếng Hàn cho từ vựng đó nên dễ đối chiếu. Ví dụ như gõ: Logistics Vocabulary, Construction Vocabulary…
Sau đó, mình dùng những từ vựng mình tìm được vào công việc. Từ nào người Hàn hiểu thì ok, từ nào họ không hiểu thì mình hỏi lại, xem dùng từ nào cho hợp lý.
3. Học ngay ở công ty
Học bất cứ cái gì thì học trong thực tế là hiệu quả nhất. Vừa hiểu được công việc, vừa tích lũy được vốn từ vựng chuyên ngành. Nhưng đương nhiên cách học này không hề dễ dàng, và tốn nhiều thời gian công sức nhất.
– Xuống xưởng học các công đoạn sản xuất: Nếu bạn làm trong công ty sản xuất, thì phải hiểu được quy trình các công đoạn sản xuất mới dịch được. Cách tốt nhất là học ngay tại thực tế, học ngay tại xưởng. Khi đã hiểu được quy trình bằng tiếng Việt rồi, chắc chắn bạn sẽ không còn bị đơ khi sếp hay đồng nghiệp nhắc đến những công đoạn đó nữa.
– Hỏi đồng nghiệp: Những đồng nghiệp đã làm việc lâu ở công ty chắc chắn sẽ hiểu rõ về công việc. Hãy nhờ họ giải thích về công đoạn sản xuất, những từ ngữ chuyên ngành bạn chưa hiểu. Bạn vừa hiểu hơn về công việc, lại xây dựng được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp nên lúc biên phiên dịch cũng dễ dàng hơn.
– Hỏi sếp, hỏi người quản lý: Đôi khi họ sẽ thấy phiền phức vì bạn hỏi quá nhiều, nhưng sếp nào chẳng thích nhân viên chịu khó học hỏi. Người Hàn rất hài lòng khi nhân viên của mình học tập chăm chi. Ví dụ như nhờ họ giải thích về công đoạn sản xuất, từ vựng bạn chưa hiểu… Trò chuyện nhiều với sếp, người quản lý cũng giúp bạn quen dần với giọng của họ.
– Bật chế độ hóng hớt cao nhất: Mình hóng mọi thứ từ nhóm chát công việc, email, các cuộc họp để nắm được công việc, học các từ vựng người Hàn dùng, hiện đang có những vấn đề gì. Ví dụ như: Công đoạn sản xuất nào đang có vấn đề, nguyên liệu đặt hàng đã nhập kho chưa, đang báo giá cho công trình nào… Nắm được tình hình công việc sẽ giúp bạn chủ động hơn khi sếp yêu cầu bạn dịch.
Rồi mình hóng cả khi người quản lý làm việc với động nghiệp, xem họ đang nói đến vấn đề gì, rồi từ vựng mà họ nói trong tiếng Việt là gì, tiếng Hàn là gì. Khi yêu cầu mình dịch thì mình nhảy luôn được vào vấn đề.
Đây là kinh nghiệm của mình khi mới vào làm phiên dịch ở công ty. Tất nhiều, thời gian đầu vô cùng khó khăn, nhưng hãy giữ tinh thần lạc quan, luôn học hỏi và cố gắng. Chắc chắn bạn sẽ vượt qua được thời gian đầu và gắn bó với công việc của mình.