Có khi nào bạn tự hỏi: “Khi nào là quá muộn để học tiếng Hàn?”, “27 tuổi mới học tiếng Hàn thì bao giờ xin việc tiếng Hàn được?”, “Bao lâu thì giao tiếp tiếng Hàn thành thạo được?”, “Học tiếng Hàn muộn thế nào thì có vào đầu được không?”.

Mình cũng từng hoang mang, tự đặt ra những câu hỏi như vậy khi định học tiếng Hàn. Và rồi mình vẫn quyết định học tiếng Hàn ở tuổi 27 – mà lúc đó mọi người gọi là quá già để bắt đầu học ngoại ngữ, để bắt đầu một thứ mới mẻ. Mình sẽ chia sẻ hành trình bắt đầu học tiếng Hàn ở tuổi 27 – “tuổi quá già” cho các bạn nghe, để các bạn có thêm động lực để theo đuổi tiếng Hàn.

Cả hành trình theo đuổi tiếng Hàn cho đến tận bây giờ là vô vàn những cung bậc cảm xúc: Thấy mình thật liều lĩnh điên rồ, Hừng hực khí thế quyết tâm, Hoang mang mơ hồ, Muốn bỏ cuộc, Quyết tâm theo đuổi đến cùng. Cho đến tận bây giờ, mình vẫn thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Mình thật liều lĩnh, điên rồ

Mình thích tiếng Hàn từ hồi sinh viên, mua sách về tự học nhưng không nổi, rồi lại bỏ. Sau đó đi làm được vài năm, mình đăng ký học tiếng Hàn vào buổi tối. Đi làm mệt, rồi tối về còn làm thêm nên không có thời gian học. Chán quá mình lại bỏ.

Vẫn thích tiếng Hàn, trong giấc mơ hàng đêm vẫn chập chờn mơ thấy tiếng Hàn nên mình quyết định học một lần nữa. 27 tuổi, mình nghỉ việc để học tiếng Hàn. Tất cả bạn bè, đồng nghiệp, người quen đều bảo mình điên vì bỏ việc để theo đuổi thứ viển vông, rồi biết có tìm được việc liên quan đến tiếng Hàn không. Mình cũng nghĩ “Ừ, mình điên thật.” Lúc đó, mình chỉ nghĩ rằng phải thử học tiếng Hàn lần cuối cùng để sau này không phải hối hận vì đã không dám theo đuổi điều mình thích.

Mình đọc quyển sách “Nhà giả kim” có câu nói rằng: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó.” Đây cũng chính là quyển sách truyền cảm hứng mạnh mẽ cho mình để theo đuổi tiếng Hàn một lần nữa. Cậu chăn cừu Santiago trong sách đã chinh phục được giấc mơ, tìm được kho báu của mình. Mình cũng tin tưởng rằng, bản thân sẽ chinh phục được ước mơ của mình đó là theo đuổi tiếng Hàn.

Nếu học được tiếng Hàn thì sẽ tìm việc liên quan đến tiếng Hàn; nếu không sẽ quay lại công việc cũ. Dù gì mình cũng còn trẻ, còn nhiều cơ hội để làm lại. Có rất nhiều người khởi nghiệp ở tuổi 50, 60, thậm chí là 70 cũng có vấn đề gì đâu. Học tiếng Hàn có là việc gì to tát, trọng đại đâu. Nếu thử mà thất bại cũng chẳng sao. Phải thử xem có làm được không, nếu chưa thử mà đã bỏ cuộc thì thấy bản thân thật hèn nhát.

Rồi MÌNH QUYẾT ĐỊNH NGHỈ VIỆC Ở TUỔI 27 ĐỂ HỌC TIẾNG HÀN. Và hừng hừng khí thế với quyết tâm nhất định sẽ chinh phục được tiếng Hàn.

Hừng hực khí thế quyết tâm

Mình đăng ký học tiếng Hàn vào buổi sáng, còn buổi chiều làm thêm để lấy tiền đi học. Buổi sáng đầu óc sáng láng minh mẫn, nên học dễ vào hơn. Mình đăng ký khóa học sơ cấp, lớp chỉ có một hai người nhiều tuổi hơn mình, còn toàn là mấy em ít tuổi hơn mình. Kệ, già nhất lớp đâu có sao. Mình còn bị mọi người nói là điên khi nghỉ việc để học tiếng Hàn kìa.

Sáng mình học 2 tiếng, sau đó về nhà nấu cơm ăn trưa. Vừa nấu cơm vừa tranh thủ học bài luôn. Ăn cơm xong, ngủ khoảng 30 phút rồi 1 giờ chiều dậy, làm việc. Mình làm việc qua mạng, viết bài cho người quen, thu nhập cũng không được nhiều, nhưng cũng cố gắng trang trải được tiền học, tiền ăn, tiền nhà trọ.

Vì mình xác định học tiếng Hàn là để tìm việc, chỉ còn con đường duy nhất này, không còn đường lui nữa. Nên lúc đó mình quyết tâm khủng khiếp luôn. Cũng không hiểu mình lấy đâu ra động lực mà quyết tâm, chăm chỉ như thế. Ở trên lớp, buổi học nào mình cũng giơ tay phát biểu để đọc đoạn văn, dịch câu, tranh thủ mọi cơ hội để luyện nói. Học xong, buổi trưa vừa nấu cơm vừa xem lại bài học, không thì bật bài nghe lên nghe. Tối học đến 10 giờ hoặc 11 giờ. Nếu có việc làm thêm thì làm đến tầm 1, 2 giờ sáng. Nói chung, mình bận rộn cả tuần, còn bận hơn cả hồi đi làm.

Cuối tuần cũng hiếm khi đi chơi, hiếm khi tụ tập ăn uống với bạn bè vì vừa không có tiền, vừa muốn dành thời gian để học tiếng Hàn. Trước đây đi làm, thỉnh thoảng ăn uống đi chơi, đi hát karaoke với đồng nghiệp, bạn bè. Giờ nhiều khi cũng thèm đi lắm nhưng phải nhịn vì còn phải dành tiền để đi học. Vất vả, khổ sở nhưng mình chịu được vì nghĩ đến mục tiêu phải chinh phục được tiếng Hàn để không mang tiếng là nghỉ việc để theo đuổi thứ điên rồ, không đâu. Và cũng để không có lỗi với bản thân.

Sau khi học xong sơ cấp 1, mình đăng ký tiếp sơ cấp 2, rồi trung cấp 1, rồi ôn thi Topik. Ban đầu, mình không hề biết có cái gọi là chứng chỉ Topik tiếng Hàn. Đến khi nghe cô giáo dạy ở trung tâm nói thì mình mới biết. Thì ra phải thi được Topik tiếng Hàn thì mới ứng tuyển vào mấy công ty Hàn Quốc được. Nhưng mình cũng chưa biết để thi được Topik thì phải học những cái gì, học bao lâu. Học tiếng Hàn thì cứ học thôi.

Học hết trung cấp 1, mình đăng ký thi luôn Topik II. Nói là hết trung cấp 1 nhưng thực chất là chỉ học hết 8 bài của quyển Tiếng Hàn tổng hợp 2 thôi. Mình sợ bản thân chưa thi được, nhưng mấy bạn tư vấn ở trung tâm bảo là “Thi được hết, đừng lo”. Đúng thật, mình thi được hết nhưng mà trượt, còn không lấy nổi Topik 3. Hơi buồn và hụt hẫng một chút nhưng cũng xứng đáng, vì trình độ tiếng Hàn của mình mới sơ cấp 2 nên trượt là phải.

Lúc đó xem tin tuyển dụng vị trí tiếng Hàn của các công ty thì ít nhất phải có Topik 4 trở lên. Nên mình đặt mục tiêu phải thi được Topik 4. Hành trình tự ôn thi Topik 4 bắt đầu.

Đầu tiên là phải học thêm tiếng Hàn đã. Mình học cấp tốc hết quyển Tiếng Hàn tổng hợp 3, 4, 5 trong đúng 3 tháng với mục đích là nắm được ngữ pháp, từ vựng trong 3 quyển đó để đi thi Topik. Quyển 6 thì xem sơ qua. Sau đó, mình chuyển sang ôn đề Topik: Đề Topik Trung cấp từ kỳ 27 đến kỳ 34, Đề Topik II từ kỳ 35 trở lại.

Ban ngày thì làm thêm; buổi tối, sáng sớm và cuối tuần thì ôn thi Topik. Lúc nấu cơm, đi tắm, giặt quần áo, lau nhà thì bật đề Topik hoặc phim hoạt hình tiếng Hàn lên nghe để cho quen với phát âm, tốc độ nói tiếng Hàn. Sáng 5 giờ dậy để ôn thi, mang ra sách ra học nhưng rồi ngủ quên mất. Vốn thích xem phim Hàn, nhưng lúc ôn thi Topik mình không dám xem bất cứ bộ phim nào, ngoài phim hoạt hình tiếng Hàn để luyện nghe.

Và rồi trời cũng không phụ lòng người. Kỳ thi tháng 11 năm đó mình được Topik 4 với 178 điểm. Vui mừng, hạnh phúc đến phát khóc vì biết bao nỗ lực, khổ sở của mình cuối cùng đã được đền đáp. Bây giờ, mình đã có thể tự tin vác chứng chỉ Topik 4 để ứng tuyển vào các công ty Hàn Quốc rồi.

Nhưng đời không phải là mơ. Mình chưa lường trước được hành trình tìm việc tiếng Hàn đầy khó khăn đang chờ.

Hoang mang mơ hồ, muốn bỏ cuộc

Vào tất cả các trang tìm việc, thấy tin tuyển dụng tiếng Hàn nào phù hợp với bản thân là mình gửi hồ sơ. Mình còn chơi lớn ứng tuyển cả vào vị trí phiên dịch tiếng Hàn. Không phải lúc đó tự tin với tiếng Hàn của mình, mà là chưa hình dung được vị trí phiên dịch tiếng Hàn khó như thế nào. Gửi hàng chục email ứng tuyển, nhưng không nhận được lời hồi âm của bất cứ công ty nào. Lại gửi thêm hàng chục, hàng chục email nữa; có những công ty mình gửi tới vài lần.

Rồi may mắn cũng có công ty gọi đi phỏng vấn. Nhưng đến lúc đi phỏng vấn mới thấy tiếng Hàn của mình kém cỏi đến mức nào. Ngoài mấy câu xin chào, tạm biệt, giới thiệu tên tuổi ra thì mình không nghe được, không nói được. Dịch văn bản thì chắc chắn là không dịch được rồi. Có một công ty khi đến phỏng vấn, họ yêu cầu mình gõ bàn phím tiếng Hàn nhưng mình không gõ được. Lúc đó, thấy mình thảm thực sự, thấy xấu hổ khi nói rằng mình có Topik 4. Mang tiếng là Topik 4 nhưng mình chỉ học trong sách, không hề luyện nói; từ vựng, giao tiếp thường ngày còn bập bẹ thì nói gì đến giao tiếp trong công việc.

Đi phỏng vấn thêm mười mấy công ty nữa, kết quả nhận được đều là Trượt. Vị trí biên dịch tiếng Hàn có, phiên dịch có, nhân viên tiếng Hàn có. Kết quả này xứng đáng vì khả năng tiếng Hàn của mình quá kém cỏi, nghe nói không được, viết cũng không, có mỗi đọc còn hiểu được một ít.

Hoang mang, mơ hồ, mệt mỏi, muốn bỏ tất cả. Lại nhớ đến lời của đứa bạn thân khi biết mình học tiếng Hàn: “Tao chẳng biết mày học tiếng Hàn để làm gì.”. Ừ, Mình cũng chẳng biết bản thân học tiếng Hàn để làm gì nữa. Nghỉ việc để học tiếng Hàn, bỏ ngoài tai lời khuyên của tất cả mọi người. Liều lĩnh, điên rồ vì cho rằng mình dám theo đuổi ước mơ. Nhưng đến bây giờ mình nhận lại được gì? Chỉ có thất bại.

Bạn bè có công việc ổn định, có mức lương cao. Còn mình chẳng có gì ngoài Topik 4 và thất nghiệp. Nhớ đến câu “뜬구름 잡다” (Theo đuổi điều viển vông). Quả đúng với mình thật. Bỏ việc rồi theo đuổi tiếng Hàn nhưng có tìm được việc liên quan đến tiếng Hàn đâu. Mơ mộng quá đáng rồi. Ngày nào mình cũng nghĩ: Liệu mình có sai không khi nghỉ việc học tiếng Hàn? Nếu mình cứ mãi không tìm được việc tiếng Hàn thì phải làm sao? Giá phải trả cho ước mơ của mình có đắt quá không? Mình có điên không?

Quyết tâm theo đuổi đến cùng

Cuối cùng, mình hạ quyết tâm một lần nữa. Đi đến bước này không còn đường lui nữa. Mình chỉ có lựa chọn duy nhất là theo đuổi tiếng Hàn đến cùng. Nhất định mình phải đỗ vị trí phiên dịch tiếng Hàn. Mọi người đều nói rằng mình sai lầm khi học tiếng Hàn, nên mình phải chứng minh rằng đây là quyết định đúng đắn nhất. Hành trình khổ luyện để tìm việc bắt đầu.

Đầu tiên là luyện gõ bàn phím tiếng Hàn. Tiếng Việt thì mình gõ ngon lành, không cần nhìn bàn phím. Tiếng Hàn thì gõ kiểu mổ cò, ngồi nhòm nửa tiếng mới gõ được vài chữ. In bảng chữ cái tiếng Hàn ra, cắt từng chữ rồi dán vào các chữ cái tương ứng trên bàn phím. Sau đó, luyện gõ theo các đoạn văn tiếng Hàn. Ngày nào cũng luyện gõ bàn phím tiếng Hàn tầm 1 – 2 tiếng. Vài tháng sau đã gõ được nhanh hơn, rồi nhiều chữ không cần nhìn vẫn gõ được ngon ơ.

Về luyện nghe nói, mình nói tiếng Hàn một mình, tự tưởng tượng ra các tình huống rồi tự đóng các vai nói luôn. Viết đoạn văn về các chủ đề như Chuyến du lịch của tôi, hạnh phúc là gì, Nên kết hôn sớm hay muộn thì tốt hơn, sau đó học thuộc rồi nói trước gương. Vào ứng dụng Hello Talk để tìm người Hàn nói chuyện. Xem phim, học các câu của nhân vật trong đó rồi dùng khi nói chuyện với người Hàn, hay lúc nói một mình. Xem tin tức tiếng Hàn, rồi nói lại nội dung tin tức đó. Nghe tiếng Hàn mọi lúc mọi nơi: Nghe tin tức tiếng Hàn vào buổi sáng lúc đánh răng rửa mặt, buổi tối khi tắm. Lúc nấu cơm, dọn dẹp thì bật phim Hàn lên nghe cho quen giọng. Lúc giải trí thì cũng xem show thực tế Hàn Quốc. Nói chung là ăn ngủ chơi cùng tiếng Hàn.

Luyện dịch tài liệu thì mình lấy hợp đồng tiếng Hàn, tiếng Việt ra dịch ngược lại ngôn ngữ kia. Dịch từ những cụm từ đơn giản nhất như “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, rồi bên A, bên B, điều khoản 1, điều khoản 2, tranh chấp… trong tiếng Hàn là gì. Rồi dịch các văn bản ra tiếng Hàn, tiếng Việt như quy định khu chung cư, nội quy công ty… Vào các trang web, hội nhóm tiếng Hàn trên facebook để học từ vựng, biểu hiện tiếng Hàn dùng trong công việc.

Tiếp đó là luyện tập phỏng vấn bằng tiếng Hàn. Mình lên mạng tìm hiểu list câu hỏi thường gặp khi ứng tuyển vào vị trí tiếng Hàn. Rồi viết câu trả lời, sau đó học thuộc rồi luyện tập trả lời trước gương. Hoặc tưởng tượng có người đang ngồi trước mặt là nhà tuyển dụng, sau đó hình dung các câu hỏi họ sẽ đặt ra, rồi trả lời từng câu hỏi một. Luyện tập cả ánh mắt, tác phong sao cho gây được thiện cảm tốt nhất.

Tiếp đó là viết CV xin việc bằng tiếng Hàn. Mình lên mạng, xem các mẫu CV tiếng Hàn để xem họ viết thế nào rồi mình làm theo. Bắt tay vào viết CV, tìm từ ngữ, căn chỉnh các thứ, sửa đi sửa lại trong hơn 1 tuần mới xong. Cuối cùng là rải CV tìm việc. Phải gửi email ứng tuyển cho vài chục công ty thì mình mới được vài công ty gọi đi phỏng vấn. Và may mắn đã mỉm cười với mình. Sau bao nỗ lực thì mình đã đỗ vị trí phiên dịch tiếng Hàn.

Vào làm ở công ty Hàn Quốc rồi vẫn còn muôn vàn khó khăn chờ mình. Nghe nói tiếng Hàn kém nên bị mắng suốt, tự ti, xấu hổ. Công việc stress, đi sớm về muộn. Nhiều lúc chỉ muốn nghỉ việc, từ bỏ tiếng Hàn cho xong. Nhưng rốt cuộc mình vẫn theo tiếng Hàn cho đến tận bây giờ.

Kể bằng câu chữ thì chỉ có từng đó, nhưng thực sự mình đã phải nỗ lực rất rất nhiều trong khoảng thời gian rất dài. Tự ôn thi Topik 4, rồi topik 5, 6; tự học biên phiên dịch để ứng tuyển vào công ty Hàn. Cả hành trình đó là vô vàn những cảm xúc đan xen nhau, tự ti, mặc cảm, mất phương hướng, cô đơn, có cả niềm vui lẫn những giọt nước mắt. Nhưng mỗi khi muốn bỏ cuộc, mình lại nhớ lại lý do vì sao mình học tiếng Hàn. Và luôn cảm ơn bản thân vì đã dám theo đuổi ước mơ của mình.

Học tiếng Hàn ở tuổi 27, 30, 35? Tại sao không? Chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu học một điều mới mẻ. Đương nhiên, học tiếng Hàn cũng như bất cứ ngoại ngữ nào vốn chẳng dễ dàng gì. Cũng không phải chỉ học vài tháng là bạn giỏi ngay, tìm được việc tiếng Hàn ngay. Mà phải là cả quá trình đầu tư thời gian, công sức.

Mình học được tiếng Hàn, rất nhiều người khác chinh phục được tiếng Hàn thì chắc chắn bạn cũng sẽ học được. Quan trọng là bạn có bắt đầu luôn bây giờ hay không, có mục tiêu, phương hướng rõ ràng và có kiên trì tới cùng hay không.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *