Bước 1: Xác định muốn đạt Topik mấy

Bạn nên đặt ra mục tiêu Topik muốn đạt được để có kế hoạch ôn và chọn tài liệu ôn phù hợp. Đừng có như mình trước đây mới học hết sơ cấp 2 cũng đi thi Topik II; không biết ôn thế nào cũng không biết ôn cái gì nên lúc làm đề đọc, đề nghe giống như bị mù chữ, chả biết cái gì và kết quả là… trượt cả Topik 3.

Nếu mục tiêu của bạn là đạt Topik 3, 4 thì phải học hết Tiếng Hàn tổng hợp trung cấp 4 để nắm được ngữ pháp, từ vựng. Nguồn tài liệu ôn Topik là Tiếng Hàn tổng hợp (từ vựng, ngữ pháp) và đề Topik các năm (đề Topik trung cấp từ kỳ 34 trở lại và đề Topik II từ kỳ 35 trở đi).

Mục tiêu của mình là Topik 5, 6 nên mình học quyển 5 và 6 của Tiếng Hàn tổng hợp. Nguồn tài liệu ôn thi Topik: Tiếng Hàn tổng hợp; đề Topik trung cấp, cao cấp từ kỳ 22 đến 34; đề Topik II từ kỳ 35 đến nay; đọc báo tiếng Hàn, nghe tin tức tiếng Hàn, video về kiến thức khoa học thường thức tiếng Hàn.

Bước 2: Lập kế hoạch ôn thi

Khi đó mình tan làm về nhà sớm nhất là 8h30 tối, có hôm 10h 30 tối. Về nhà, nấu cơm, dọn dẹp xong là 9h 30 tối; đi ngủ lúc 11h30 hoặc 12 giờ. Mỗi ngày mình có nhiều nhất là 2 tiếng rưỡi để ôn thi, cộng thêm ngày cuối tuần nếu không có việc bận hay đi chơi đâu. Thế nên, mình phải lên kế hoạch ôn thi Topik tỉ mỉ và tuân thủ chặt chẽ để tận dụng tối đa thời gian.

Tháng 7 mình đăng ký và tháng 10 đi thi nên có 4 tháng để ôn. Sau đó bắt đầu lên kế hoạch ôn thi:

– Mỗi ngày phải làm hết 1 đề Topik đọc/nghe.

– Ở công ty, nếu có thời gian rảnh sẽ làm đề đọc; đề nghe chỉ làm ở nhà vì yên tĩnh và có thể tập trung cao độ nhất.

– Cuối tuần sẽ dành thời gian làm đề viết.

– Khi không làm đề thì sẽ đọc báo, nghe tin tức tiếng Hàn để nắm thông tin, lấy từ vựng.

– Nấu cơm, dọn dẹp, đi tắm, đánh răng rửa mặt đều bật file nghe Topik hoặc bản tin tiếng Hàn lên để nghe, nghe cho quen ngữ điệu, tốc độ.

– Lúc rảnh rỗi khác sẽ lấy đề đọc Topik hoặc tổng hợp ngữ pháp của Tiếng Hàn tổng hợp ra đọc đi đọc lại cho nhớ.

Bước 3: Tuân thủ chặt chẽ kế hoạch ôn thi

Muốn đạt kết quả cao khi tự ôn Topik, bạn phải thật kỷ luật, chăm chỉ. Không có ai đôn đốc hay kiểm tra, tất cả đều do bạn phải tự quản bản thân. Hàng ngày, mình có ít thời gian rảnh, nên tự đặt ra kỷ luật với bản thân là ngày nào cũng phải làm đề Topik, ôn tập các nội dung khác ngoài đề.

Hôm nào đi làm về muộn hay mệt quá thì nghỉ, nhưng hôm sao phải làm bù. Mình cũng giảm tối đa việc dùng facebook, xem phim, sa đà vào giải trí. Thỉnh thoảng, xem mấy video ngắn để giải trí thì được nhưng tuyệt đối không lướt face hay xem phim vì mình rất dễ bị nghiện khi xem.

Cuối tuần, mình cũng giảm luôn việc hẹn hò, đi chơi với bạn bè; trừ những việc cần thiết. Ở nhà mãi cũng chán, nên cuối tuần mình ra quán cafe học và thường làm đề đọc hoặc viết. Dù học ở quán cafe thì cũng phải kỷ luật như ở nhà, làm bài xong mới có thể ngồi ngó nghiêng chỗ này chỗ khác hay ngắm trai xinh gái đẹp.

Bước 4: Tự ôn Topik thế nào?

1. Đề nghe

* Tài liệu mình ôn: Đề nghe Topik kỳ 22 đến kỳ 52 (Mình thi năm 2018 nên lúc đó mới có đến đề 52 và từ kỳ 35 trở đi thì đề Topik mỗi năm chỉ phát hành 1 đề nên đề Topik II chỉ có kỳ 35, 36, 37, 41, 48, 52); Đọc báo tiếng Hàn (YTN, Yonhap); Nghe tin tức tiếng Hàn trên Youtube (JTBC, SBS, Yonhap, KBS).

* Cách ôn đề nghe:

– Luôn làm đề nghe ở nhà vì có không gian yên tĩnh. Các bạn làm đề nghe ở đâu cũng được miễn là nơi đó yên tĩnh, không có tạp âm xung quanh để không bị phân tâm.

– Lần đầu tiên làm đề nghe, mình làm đúng như khi đi thi. Đề nghe Topik thi trong 60 phút thì mình cũng làm trong 60 phút, câu nào không nghe được thì bỏ qua; tuyệt đối không cho băng chạy lại để nghe cho được đáp án. Hết 60 phút thì đối chiếu với đáp án để biết mình làm được bao nhiêu điểm.

Đây mới là khả năng thực sự của mình khi đi thi. Và có thể khi đi thi còn thấp hơn vì lúc đó bị áp lực tâm lý. Từ lần sau trở đi, những câu nào sai thì mình nghe lại cho đến khi chọn được đáp án.

– Tra nghĩa các từ chưa biết trong đề bài và cả phần transcript. Mình vốn lười nên không có kiểu viết từ mới vào sổ rồi học mà cứ tra đi tra lại khoảng 5 – 7 lần là tự nhiên nhớ.

– Làm đề nghe nhiều, sau đó rút ra típ làm bài cho từng dạng bài -> chọn được đáp án đúng và tiết kiệm thời gian khi đi thi.

– Nghe tiếng Hàn cả ngày, đề Topik, tin tức chơi tuốt; mình cứ bật cho chạy rồi vừa làm việc khác vừa nghe, nghe được bao nhiêu thì nghe để quen ngữ điệu, tốc độ nói.

2. Đề đọc

* Tài liệu mình ôn: Tiếng Hàn tổng hợp, đề Topok các năm (Đề Topik trung cấp, cao cấp từ kỳ 22 đến 34; đề Topik II từ 35 đến 52). Rảnh rỗi thì lên Youtube xem video bài giảng hướng dẫn làm đề đọc Topik II.

* Cách ôn đề đọc Topik:

– Lần đầu tiên, làm như khi đi thi, không tra từ điển. Đặt đồng hồ 70 phút, cố gắng làm hết 50 câu trong thời gian đó. Sau đó, đối chiếu đáp án xem được bao nhiêu câu đúng để biết được khả năng thực sự của bản thân.

– Lần thứ hai thì tra nghĩa những từ không biết, mình viết từ mới kín cả đề Topik. Tra nghĩa từ mới, ngữ pháp chưa biết -> Dịch đoạn văn câu hỏi, đáp án -> Chọn đáp án.

Mình hay đọc to phần đoạn văn trong câu hỏi, sau đó đọc lời dịch hoặc dịch thầm trong đầu. Đây là cách mình luyện tốc độ đọc hiểu khi làm đề đọc Topik II. Ban đầu mình đọc to, luyện dần đọc trôi chảy, sau đó tăng tốc độ nhanh dần khi đọc hiểu bằng mắt. Nhờ thế mà khi đi thi mình có thể đọc bằng mắt và dịch thầm trong đầu khá nhanh.

– Với mỗi dạng bài của đề đọc, cũng cần có phương pháp làm bài riêng. Phương pháp làm mình tự rút ra trong quá trình ôn đề Topik.

– Lúc không làm đề, mình mang đề đọc ra để đọc như đọc sách. Nghe buồn cười phải không. Mình đọc to đoạn văn trong phần câu hỏi rồi dịch ra tiếng Việt. Nhờ cách này mà mình nhớ ngữ pháp, từ vựng trong đề đọc mà không phải học mất thời gian. Hoặc mình tổng hợp ngữ pháp trong Tiếng hàn Tổng hợp mỗi quyển thành một tài liệu, lúc rảnh thì lôi ra đọc cho ngữ pháp đó ngấm vào đầu.

3. Đề viết

* Tài liệu mình ôn: Đề Topik các năm (đề trung cấp, cao cấp từ lần 22 – 34, đề Topik II từ lần 35 – 52); vài video bài giảng hướng dẫn cách làm câu 53.

* Cách ôn đề nghe Topik:

– Mình hay làm đề viết vào cuối tuần vì lúc này tâm trạng thảnh thơi hơn mới thích viết. Làm đề viết mất nhiều thời gian hơn và cuối tuần cũng có nhiều thời gian hơn.

– Lần đầu tiên, mình tự làm; sau đó mới xem đáp án họ viết thế nào.

– Câu 51 thì luyện đi luyện lại trong đề viết Topik 35 – 52. Mình còn in cả câu 42, 43 trong đề Topik cao cấp từ lần 22 đến 34 để làm. Câu 42, 43 cũng tương tự như câu 52 trong đề Topik lần 35 trở đi. Tuy nhiên, câu 42, 43 trong đề cao cấp sẽ khó hơn so với câu 52 trong đề Topik lần 35 đến nay.

– Câu 53: Học các cấu trúc thường dùng cho câu này rồi áp dụng khi ôn cho nhớ, đến khi thi chỉ việc lấy ra dùng thôi. Làm câu 53 trong đề viết Topik, một vài đề bài mình tìm trên Youtube, lấy luôn câu 10 trong đề đọc để luyện viết.

– Câu 54:  Đầu tiên, xem đáp án để xem cách viết, triển khai ý, dùng cấu trúc ngữ pháp nào rồi mình bắt chước. Khi luyện viết, mình lập dàn ý cho bài viết như khi làm văn hồi trung học rồi viết theo dàn ý đó là được.

Viết xong thì nhờ người Hàn sửa hoặc đăng lên Hello Talk nhờ mọi người trên đó sửa; nếu không nhờ được thì viết thật nhiều, bắt chước cấu trúc ngữ pháp trong đáp án đề viết hoặc trong đề đọc.

Đây là những kinh nghiệm tự ôn Topik II của mình. Chưa thể chia sẻ thật chi tiết nhưng hy vọng giúp ích phần nào cho các bạn. Và điều các bạn luôn luôn nhớ khi tự ôn Topik đó là lên chiến lược cụ thể, chăm chỉ, kỷ luật từng ngày, từng giờ thì chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt nhất. Chúc các bạn học hành chăm chỉ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *