Đề viết luôn là phần khiến mọi người e ngại nhất khi thi Topik. Đối với mình cũng vậy khi mới lần đầu thi Topik. Thế nhưng, từ những lần sau ôn thi Topik vì đã ôn luyện nhiều đề nên mình không còn thấy đề viết quá đáng sợ nữa. Hôm nay mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm làm đề viết Topik II để các bạn tham khảo.

Phân chia thời gian làm bài hợp lý

Đề viết Topik làm trong 50 phút, gồm có 4 câu gồm câu 51, 52, 53, 54. Sau khi làm đề nghe xong, sẽ bắt đầu làm đề viết. Và cuối cùng là làm đề đọc.

Chỉ có 50 phút để làm đề viết, khoảng thời gian này rất ngắn ngủi. Nếu bạn không phân chia thời gian cụ thể, hợp lý thì sẽ không đủ thời gian làm bài. Vì thế mà cũng khó đạt điểm cao phần viết Topik.

Mình phân chia cụ thể thời gian cho từng câu. Cụ thể như sau:

Câu 51, 52 mỗi câu làm trong 5 phút -> Tổng là 10 phút, nếu có thể làm nhanh hơn thì làm trong khoảng 7 phút; 15 phút cho câu 53, còn 25 phút dành cho câu 54. Khi làm phải suy nghĩ thật nhanh và tuân thủ quy tắc phân chia thời gian đã đặt ra, tránh mất quá nhiều thời gian vào 1 câu, sẽ thiếu thời gian làm bài cho những câu khác.

50 phút cực kỳ ngắn ngủi, bạn sẽ thấy thời gian lao như tên bắn. Nhiều khi bạn chỉ làm được hết câu 53 hoặc viết thêm được một chút cho câu 54. Thế nên, giải quyết xong câu nào là gọn câu đó, sẽ không có thời gian để bạn xem lại hay soát lỗi đâu.

Làm câu 51

Câu 51 là dạng viết câu vào chỗ trống và có 2 chỗ trống bạn cần phải điền. Chủ đề của câu này thường là bức thư, lời nhắn, email, giấy mời, đăng tuyển thành viên câu lạc bộ, tặng lại hoặc bán lại giáo trình/đồ dùng cũ…

Câu này yêu cầu từ ngữ đơn giản, cấu trúc ngữ pháp dạng sơ cấp. Bạn cần đọc kỹ văn cảnh và viết câu phù hợp. Bạn cần lưu ý viết đuôi câu giống như đuôi câu trong đề bài sử dụng. Ví dụ:

Đề bài viết là신입 회원은 태권도에 관심 있는 학생이면 누구나 환영합니다-> bạn cũng phải viết đuôi (스)ㅂ니다.

Đề viết là 신입 회원은 태권도에 관심 있는 학생이면 누구나 환영해요 -> bạn cũng phải viết đuôi câu dạng아/어요.

Đề viết là신입 회원은 태권도에 관심 있는 학생이면 누구나 환영한다 -> bạn cũng phải viết đuôi câu dạng는다/ㄴ다.

Làm câu 52

Câu 52 sẽ khó hơn câu 51 một chút. Chủ đề câu này thường về kiến thức khoa học thường thức (cách rửa tay, gội đầu khi nào thì tốt…) hay chủ đề mang tính triết lý một chút như cách nắm bắt cơ hội, hành xử khi gặp khó khăn…

Câu cần viết vào chỗ trống sẽ nằm ngay ở câu trước/sau chỗ trống đó. Bạn đọc kỹ nội dung, tinh ý là có thể suy ra đáp án được ngay. Phải sử dụng đuôi câu giống như đuôi câu trong đề bài.

Làm câu 53

Câu này là dạng miêu tả, trình bày biểu đồ. Bạn chỉ cần học thuộc các cấu trúc thường dùng cho dạng bài này và khi làm bài thi áp dụng là được. Khi làm câu 53 nên viết cả câu mở đầu lẫn câu kết luận để đạt điểm cao nhất.

Cấu trúc thường dùng cho câu 53 thì khi bạn ôn thi Topik ở trung tâm sẽ được hướng dẫn. Hoặc bạn tìm trên Internet đều có. Hoặc là xem đáp án đề Topik cho câu 53 và học theo những cấu trúc mà đáp án sử dụng.

Làm câu 54

Câu này bạn phải viết dạng bài luận, trình bày suy nghĩ của bản thân về chủ đề nào đó. Ví dụ: Trình bày suy nghĩ của bản thân về mặt tích cực/tiêu cực của lời khen; Suy nghĩ về việc đọc sách, nuôi thú cưng; Thành công là gì; Hạnh phúc là gì… Lưu ý phải sử dụng đuôi câu dạng는다/ㄴ다. Ví dụ: 음식이 맛있다; 사람마다 생각이 다르다; 열심히 공부한다.

Nếu bạn muốn được điểm cao phần này thì sử dụng cấu trúc ngữ pháp cao cấp một cách linh hoạt và phải đúng nữa. Có thể đưa vào bài viết một vài câu tục ngữ thành ngữ, quán dụng ngữ thì bài viết càng sâu sắc và bạn càng được điểm cao. Mình thì sử dụng cấu trúc ngữ pháp sơ cấp, trung cấp là chủ yếu và đảm bảo viết đúng trước để lấy điểm đã. Còn muốn viết hay thì phải luyện thật nhiều.

Khi viết bài luận này, các bạn nên viết mở bài, thân bài, kết luận như khi làm bài văn thời trung học ấy. Trước khi viết, phải làm dàn bài để định hướng bài viết sẽ gồm những ý nào, cân đối nội dung toàn bài viết và cũng không bị quên ý.

– Phần mở bài: Mình thường “mượn” luôn 1- 2 câu trong đề bài và thêm một vài câu nữa xoay quanh những ý mà đề bài hỏi.

– Phần thân bài: Thường đề bài sẽ yêu cầu trả lời 3 câu hỏi về 1 chủ đề nào đó. Mình cũng chia thành các đoạn ngắn, mỗi đoạn trả lời một câu hỏi mà đề bài yêu cầu. Trong mỗi đoạn sẽ có gồm vài ba ý. Vì đã lập dàn bài, gạch ý trước nên mình chỉ cần nhìn vào dàn bài đó viết sẽ nhanh hơn.

– Phần kết luận: Mình sẽ tổng kết lại những ý đã nêu ở phần thân bài. Mình xem đáp án trong đề Topik, xem họ viết như thế nào và học theo. Đương nhiên, đề thi mỗi lần khác nhau nhưng mình chỉ học cách viết, cách họ kết luận vấn đề để áp dụng.

P/S: Lần sau mình sẽ chia sẻ với các bạn kinh nghiệm ôn thi viết Topik nhé. Chúc các bạn luôn chăm chỉ, học tập hết mình để theo đuổi giấc mơ tiếng Hàn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *