Nghe tiếng Hàn bằng cách tắm ngôn ngữ, nghe không cần hiểu, đọc transcript trước khi nghe – đây là những phương pháp luyện nghe tiếng Hàn được nhiều người chia sẻ. Thế nhưng, nếu không biết cách áp dụng thì không đem lại hiệu quả, thậm chí còn khiến khả năng nghe tiếng Hàn của bạn chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi.
1/Luyện nghe tiếng Hàn bằng cách tắm ngôn ngữ
Cách nghe đó là khi bạn làm bất cứ việc gì thì bật file nghe tiếng Hàn, video tiếng Hàn lên rồi nghe ra rả suốt ngày. Không cần để ý nó nói cái gì, bạn cứ làm việc của mình; nấu cơm, dọn dẹp, đi tắm, học bài, vào Internet, thậm chí lúc đi ngủ cũng để cho nó lải nhải bên tai.
Cách nghe bị động này giúp tai bạn quen dần với tiếng Hàn, cảm được ngữ điệu, phát âm tiếng Hàn. Đây là phương pháp luyện nghe kinh điển được hướng dẫn khi học bất cứ ngoại ngữ nào. Nhưng nếu không biết cách áp dụng như mình từng làm thì sẽ không đem lại hiệu quả nào hết.
* Trường hợp của mình:
Thời gian đầu luyện nghe tiếng Hàn, mình cũng luyện tập theo cách nghe này. Cứ ở nhà là bật video tiếng Hàn lên nghe bất kể đang làm gì, bất kể nội dung gì cũng nghe từ tin tức, phim ảnh đến phim tài liệu, chương trình kiến thức, khoa học. Mình nghe như thế trong vài tháng liền nhưng phát hiện rằng khả năng nghe không được cải thiện chút nào; ngữ pháp, từ vựng không tăng lên.
Mình phát hiện ra rằng, mình đã áp dụng sai phương pháp luyện nghe này:
– Nghe video không phù hợp với trình độ tiếng Hàn;
– Chỉ nghe tiếng Hàn bị động mà không chú tâm nghe bất cứ một nội dung nào;
– Nghe nhiều nhưng như nước đổ đầu vịt nên không học được ngữ pháp, từ vựng mới nào.
=> Mình đã thay đổi cách áp dụng phương pháp nghe bị động tiếng Hàn như sau:
– Chọn nội dung nghe phù hợp với trình độ tiếng Hàn: Ban đầu trình độ của mình là sơ cấp nên chọn nội dung ở trình độ sơ cấp như file nghe tiếng Hàn trong bài học, phim hoạt hình nói thật chậm. Khi trình độ tăng lên thì mình cũng chọn những nội dung có độ khó cao hơn.
– Kết hợp nghe tiếng Hàn bị động và chủ động: Dù cả tháng bạn chỉ nghe một nội dung nhưng chỉ để nó ra rả bên tai chứ không chú ý lắng nghe, tìm hiểu nội dung đó nói về cái gì thì có nghe bao lâu đi nữa thì vốn từ vựng, ngữ pháp không thể tăng lên được. Vì bạn không tìm hiểu từ vựng, ngữ pháp của nội dung đó nên lần nào nghe thì vẫn là từ vựng, ngữ pháp mới.
Cách của mình là hàng ngày vẫn nghe tiếng Hàn theo kiểu bị động. Bên cạnh đó, ngày nào cũng dành thời gian để tập trung nghe một nội dung, tìm hiểu từ vựng và ngữ pháp xuất hiện trong nội dung đó và cố gắng ghi nhớ. Lần sau, bắt gặp từ vựng, ngữ pháp đó thì mình đã biết rồi. Cứ làm như thế, dần dần vốn từ vựng, ngữ pháp tăng lên và khả năng nghe hiểu cũng tăng lên.
2/Đừng cố gắng lắng nghe
Lời khuyên khi nghe tiếng Hàn là, đôi lúc chỉ nên “nghe” (hear) chứ không cần “lắng nghe” (listen: nghe hiểu). Nguyên nhân là nghe để nắm được ý chứ không thể nghe được tất cả mọi trừ trong nội dung đó. Thêm nữa, nếu chỉ tập trung vào nghe một số từ, bạn sẽ dễ bỏ qua những từ khác và không nghe kịp nội dung đó. Và càng khi không nghe được thì bạn thấy bực bội. Tuy nhiên, nếu đó là key word trong nội dung thì không thể bỏ qua và lần nào cũng bỏ qua thì rất dễ có tâm lý nản, không nghe được là bỏ qua luôn.
=> Cách nghe của mình là:
– Lúc nghe, cố gắng lắng nghe để nắm được ý chính, xem nội dung đó nói về cái gì. Không bắt buộc bản thân phải nghe được 100% nội dung (đương nhiên nghe được thì tốt biết mấy).
– Từ nào chưa nghe được thì bỏ qua, nghe hết nội dung thì quay lại từ đó xem có nghe được không; hoặc hôm nay chưa nghe được thì ngày mai quay lại nghe nội dung đó. Nếu vẫn chưa nghe được thì đành xem transcript để xem đó là từ gì.
– Từ nào không nghe được thì chỉ bỏ qua lúc đó, chắc chắn sẽ quay lại nghe để xem nó là từ gì. Tuyệt đối không bỏ qua vì dễ tạo tâm lý cho mình là lần sau chỗ nào khó không nghe được là bỏ luôn.
3/Luyện nghe bằng phương pháp ngược: Đọc transcript trước rồi mới nghe
Phương pháp ngược khi luyện nghe tiếng Hàn nhiều người chia sẻ đó là: Đầu tiên, xem file văn bản (transcript) của bài nghe, đọc và dịch. Nếu cần thiết thì lấy từ điển để tra từ mới. Sau khi đọc xong, hình dung lại tổng thể cả bài đó nói về nội dung gì và chuyển sang nghe. Bạn cứ nghe vài lần; đầu tiên là nghe vài lần mà không có văn bản, sau đó thì vừa xem văn bản vừa nghe. Cứ làm như thế trong một thời gian, khả năng nghe sẽ được cải thiện.
* Trường hợp của mình:
Những người khác áp dụng không biết hiệu quả ra sao. Mình đã áp dụng theo và thật tuyệt vời, kỹ năng nghe không tăng lên chút nào. Vì sao lại thế?
– Mình đã đọc transcript nên nhớ luôn trong đầu và khi nghe thì đương nhiên là nghe được vì đã đọc rồi mà.
– Từ mới, thậm chí cả ngữ pháp đã tìm hiểu trước nên khi nghe, mình không cần phải cố gắng lắng nghe gì hết, không kích thích được não bộ tư duy đoán xem đó là từ gì.
– Bị phụ thuộc vào transcript, lần nào nghe cũng phải đọc transcript trước mà không bắt tai phải lắng nghe đó là nội dung gì và não tư duy đó là từ mới, ngữ pháp nào.
=> Mình thay đổi cách nghe như sau:
– Nếu nghe tin tức, sẽ đọc tin tức dạng văn bản trước, tin nào cũng được. Vừa đọc vừa tra từ mới, ngữ pháp để luyện dịch luôn -> Học từ vựng, ngữ pháp. Nếu đọc tin tức liên quan đến nội dung nghe càng tốt vì khi nghe, nhiều khả năng sẽ gặp lại từ vựng, ngữ pháp đó.
– Nghe lấy ý, video tin tức đó nói về cái gì; nghe bắt ý và gạch ra những nội dung chính.
– Từ nào không biết thì đoán từ rồi tra nghĩa, hoặc cho video chạy chậm lại để nghe; hoặc bật phụ đề. Nếu phụ đề cảm thấy cũng không đúng thì phương án cuối cùng là xem transcript.
– Mình sẽ nghe trước, rồi mới đọc transcript để so sánh với nội dung mình đã nghe, tuyệt đối không đọc transcript trước.
Mỗi người có phương pháp luyện nghe khác nhau. Và cùng một phương pháp, nhưng có người áp dụng chưa đúng thì không đem lại hiệu quả; người áp dụng có sự sáng tạo sẽ đem lại hiệu quả. Trên đây là những kinh nghiệm của mình khi áp dụng các phương pháp luyện nghe tiếng Hàn. Hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình học tiếng Hàn.