Tự ôn thi Topik có thể đạt kết quả cao khi thi không? Tự ôn thi Topik có thể đạt Topik 4, 5, 6 không? Nếu bạn có kiến thức vững vàng, có phương pháp ôn thi và nỗ lực, chăm chỉ thì hoàn toàn làm được. Mình sẽ chia sẻ với các bạn cách mình đã lên kế hoạch ôn thi thế nào để vừa đi làm ở công ty mà vẫn ôn Topik được và đạt kết quả thi tốt nhất.
1. Bắt đầu ôn thi ngay sau khi đăng ký thi xong
Sau khi đăng ký thi Topik thành công, mình bắt đầu lên kế hoạch ôn thi và bắt tay vào ôn thi. Tháng 7 mình đăng ký thi xong và tháng 10 thi. Ngay khi đăng ký xong, mình bắt tay vào ôn thi luôn vì thời gian không còn nhiều. Mình đi làm ở công ty nên mỗi ngày mình có nhiều nhất là khoảng 2 tiếng rưỡi và thêm 2 ngày cuối tuần để ôn thi (nếu không có việc bận).
Ôn thi trước đó quá sớm sẽ dễ bị tâm lý chủ quan, vừa học vừa chơi vì thấy còn nhiều thời gian nên không tập trung học. Thêm vào đó, mấy năm gần đây, đăng ký thi Topik qua mạng rất khó, cạnh tranh khủng khiếp.
Nên nếu mình ôn thi Topik từ trước đó mà đăng ký không được thì rất phí công sức ôn thi. Thế nên để ăn chắc, khi đăng ký Topik thành công xong mình mới bắt đầu ôn thi. Thời gian ôn thi ngắn hơn có ưu điểm là tạo áp lực tâm lý giúp mình ôn thi chăm chỉ hơn.
2. Lập kế hoạch ôn thi bài bản
Tháng 7 mình đăng ký thi xong và tháng 10 thi nên mình có khoảng 4 tháng để ôn thi. Mình tính toán có tất cả bao nhiêu đề thi phải làm, tổng thời gian ôn thi là bao nhiêu ngày.
Sau đó chia ra 1 ngày phải làm mấy đề và nhất định hôm nào cũng phải hoàn thành. Chỉ trừ trường hợp bất đắc dĩ như tăng ca về quá muộn hay hôm đó có việc bận thì được ngoại lệ.
Với mỗi phần thi nghe, đọc, viết, mình sẽ tìm nguồn tài liệu phù hợp để ôn thi. Xác định kỹ năng nào cần phải cải thiện, nâng cao để đạt điểm tốt hơn khi thi. Trong quá trình làm đề, mình cũng rút ra được kế hoạch ôn tập, nguồn tài liệu ôn cũng như cách làm bài cho từng dạng bài cụ thể trong đề thi (kỹ năng làm bài).
3. Tìm thời gian ôn tập phù hợp cho từng môn thi
Với đề nghe, đọc, viết, mình ấn định thời gian ôn tập cụ thể cho từng môn để phù hợp với thời gian biểu hàng ngày và giúp ôn tập hiệu quả nhất.
– Đề nghe: Mình luyện đề nghe ở nhà vì có không gian yên tĩnh, giúp tập trung cao độ khi làm bài. Mình sẽ nghe vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần, ngày cuối tuần thì sẽ nghe lúc nào đầu óc tỉnh táo, thư thái nhất.
– Đề đọc, viết: Làm ở đâu, làm lúc nào cũng được. Cuối tuần đổi gió nên mình hay ra quán cafe ngồi học. Học ở quán cafe thì làm đề đọc, viết vô tư, miễn sao không mải nhìn ngắm mấy người xung quanh.
Nhưng đề nghe thì mình không bao giờ làm khi học ở quán cafe vì khi nghe cần yên tĩnh, không có tạp âm. Quán cafe nhiều khi rất ồn ào, làm đề nghe rất khó lại khiến dễ bị ức chế tâm trạng vì không nghe được.
4. Ôn tài liệu phù hợp với mục tiêu Topik đặt ra
Khi tự ôn thi Topik, tùy theo mục tiêu Topik bạn đặt ra mà tìm nguồn tài liệu ôn thi phù hợp. Mục tiêu của bạn là Topik 3, 4 thì tài liệu ôn thi sẽ khác với mục tiêu Topik 5, 6.
Lần đầu tiên thi Topik, mục tiêu của mình là Topik 4. Mình tìm tài liệu phù hợp để tự ôn thi Topik. Tài liệu ôn thi của mình như sau:
– Học hết quyển 4 của Tiếng Hàn tổng hợp.
– Ngữ pháp: Học từ quyển 1 đến quyển 4 của Tiếng Hàn tổng hợp. Có bonus thêm ngữ pháp của Tiếng Hàn tổng hợp 5, 6; tuy nhiên chỉ xem qua chứ không có thời gian học kỹ.
– Từ vựng: Học từ quyển 1 đến quyển 4 của Tiếng Hàn tổng hợp và từ vựng trong đề Topik các năm.
– Đề Topik trung cấp từ lần 22 – 34, đề topik II lần 35, 36, 37, 41 (năm 2016 chỉ có đến đề 41).
– Xem qua một vài đề đọc của Topik cao cấp để làm quen với mấy dạng bài mà đề Topik trung cấp trước đây không có (Câu 25 – 27, câu 39 – 41).
– Học thành ngữ để làm câu 21.
Lần sau thi Topik, mục tiêu của mình là Topik 5 hoặc 6 nên tài liệu ôn thi nhiều hơn, làm đề cũng mệt nghỉ.
– Học hết quyển 5 và quyển 6 của Tiếng Hàn tổng hợp. Quyển 6 học không được kỹ vì thấy ớn quá rồi, nội dung không thú vị mấy.
– Ngữ pháp: Học hết ngữ pháp từ quyển 1 đến quyển 6 của Tiếng Hàn tổng hợp. Khi làm đề Topik nếu có ngữ pháp nào mới thì ghi lại để học.
– Từ vựng: Cũng học trong tiếng Hàn tổng hợp, từ vựng trong đề Topik. Cộng thêm đoán từ vựng qua âm Hán Hàn, ngữ cảnh. Nhiều bạn nói rằng đề Topik các năm sẽ lặp đi lặp lại các từ vựng nhưng thực tế có năm, đề đọc Topik toàn từ mới nên phải đoán từ vựng mà làm bài.
– Đề Topik: Đề Topik nghe – đọc – viết trung cấp, cao cấp từ kỳ 22 – 34, đề Topik II kỳ 35, 36, 37, 41 và 52 (năm 2018 mới có đề Topik đến kỳ 52).
– Nghe tin tức trên kênh của Hàn để tăng khả năng nghe: JTBC, KBS, SBS, YTN; đọc báo Hàn để lấy từ vựng.
– Xem video về kiến thức khoa học thường thức bằng tiếng Hàn để cải thiện khả năng nghe, học thêm từ vựng mới.
5. Tận dụng mọi thời gian rảnh
Nếu bạn đi làm sẽ không có nhiều thời gian để tự ôn thi Topik. Vì thế phải ôn thi với tinh thần tập trung cao độ nhất, tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để học.
Lúc ôn thi Topik, mình còn chăm chỉ hơn cả hồi ôn thi đại học. Nhớ có buổi tối ngồi làm đề nghe, mệt quá nên vừa làm vừa ngủ gật mà vẫn cố làm xong đề mới leo lên giường ngủ.
Ngày nào cũng vậy, dù mệt hay buồn ngủ đến mấy, mình cũng cố gắng ôn luyện đề thi theo kế hoạch đặt ra. Cuối tuần nếu bí bách quá thì đi chơi lượn lờ 1 buổi, thời gian còn lại dành để học.
Nhiều khi đầu muốn nổ tung vì áp lực ôn thi, muốn đi chơi vài ngày cho khuây khỏa nhưng cố dằn lòng lại. Tự nhủ là chỉ cần cố gắng đến ngày thi là tha hồ bung lụa, thi xong muốn làm gì thì làm. Và lại bắt tay vào ôn thi.
Tự ôn thi Topik không khó và bạn vẫn có thể đạt kết quả cao như thường. Miễn là bạn tích lũy nhiều kiến thức trong quá trình học và ôn thi có chiến lược, chăm chỉ, nỗ lực hết mình. Chúc các bạn ôn thi Topik chăm chỉ và đạt kết quả thi cao nhất.