Đề đọc và đề nghe Topik thì các bạn có nhiều nguồn để ôn. Tuy nhiên, đề viết Topik thì lại không có nhiều nguồn để ôn. Ban đầu, mình cũng nghĩ như vậy. Nhưng thực ra đề viết Topik có rất nhiều nguồn để các bạn ôn luyện nếu chịu khó tìm hiểu một chút. Mình sẽ chia sẻ với các bạn nguồn tài liệu mình đã dùng để ôn đề viết Topik nhé.

Ôn đề viết Topik câu 51

Câu 51 là dạng viết câu vào chỗ trống và có 2 chỗ trống bạn cần phải điền. Chủ đề của câu này thường là bức thư, lời nhắn, email, giấy mời, đăng tuyển thành viên câu lạc bộ, tặng lại hoặc bán lại giáo trình/đồ dùng cũ…

Mình ôn luôn câu 51 trong các đề Topik từ lần 35 đến giờ. Làm đi làm lại câu 51 trong các đề đó. Rồi xem đáp án và đối chiếu xem mình làm đúng được bao nhiêu phần trăm, đáp án chọn lựa cụm từ thế nào để điền vào chỗ trống. Cuối cùng là phân tích, suy nghĩ tại sao họ dùng câu đó; câu đó liên kết thế nào với các câu còn lại trong đoạn văn. Sau đó, học theo cách họ viết câu.

Ôn luyện nhiều giúp mình quen với dạng đề này, khi đi thi sẽ nhanh chóng nghĩ ra đáp án phù hợp. 2 lần đầu tiên mình ôn thi Topik, chỉ làm một vài lần câu 51 trong đề thi Topik các năm. Kết quả là đến lúc đi thi khá bỡ ngỡ, tốn rất nhiều thời gian để nghĩ ra câu điền vào chỗ trống cho phù hợp vì vốn trước đó, mình ít làm dạng bài này nên não cũng lười suy nghĩ.

Ôn đề viết Topik câu 52

Chủ đề câu này thường về kiến thức khoa học thường thức (cách rửa tay, gội đầu khi nào thì tốt…) hay chủ đề mang tính triết lý như cách nắm bắt cơ hội, hành xử khi gặp khó khăn…

Nguồn tài liệu để ôn chính là câu 52 trong đề Topik từ lần 35 đến nay. Mình còn in cả câu 42, 43 trong đề Topik cao cấp từ lần 22 đến 34 để làm. Câu 42, 43 cũng tương tự như câu 52 trong đề Topik lần 35 trở đi. Tuy nhiên, câu 42, 43 trong đề cao cấp sẽ khó hơn so với câu 52 trong đề Topik lần 35 đến nay.

Cái chính là mình làm nhiều cho quen với dạng đề này, luyện cho não quen với việc tư duy nghĩ ra câu đáp án. Như thế, khi đi thi mình sẽ không phải chật vật với việc suy nghĩ, chọn câu điền vào chỗ trống phù hợp.

Ôn đề viết Topik câu 53

Câu này là dạng miêu tả, trình bày biểu đồ và thường tập trung vào một số dạng biểu đồ cơ bản. Các bạn chỉ cần ôn theo các dạng biểu đồ đó. Để ôn câu 53 mình làm như dưới đây:

– Học thuộc các cấu trúc thường dùng cho bài viết dạng biểu đồ rồi áp dụng khi làm bài. Những cấu trúc này có thể tìm trên trang web, facbook học tiếng Hàn dễ dàng.

– Hoặc các bạn có thể xem đáp án cho câu 53 từ đề 35 đến nay rồi liệt kê các cấu trúc họ sử dụng và học theo.

– Hết nguồn biểu đồ để ôn luyện thì mình lấy luôn câu 10 trong đề đọc Topik để luyện viết. Câu 10 trong đề đọc là dạng biểu đồ hình tròn hoặc hình cột, đây là nguồn để bạn ôn câu 53 rất tốt.

Ôn đề viết Topik câu 54

Câu này bạn phải viết dạng bài luận, trình bày suy nghĩ của bản thân về chủ đề nào đó. Ví dụ: Trình bày suy nghĩ của bản thân về mặt tích cực/tiêu cực của lời khen; Suy nghĩ về việc đọc sách, nuôi thú cưng; Thành công là gì; Hạnh phúc là gì…

Nguồn tài liệu lấy ở đâu? Một là câu 54 trong đề Topik lần 35 trở lại đây. Hai là, câu 44 trong đề Topik cao cấp từ lần 34 trở về trước. Như vậy đã có vô số đề để các bạn luyện viết.

Đầu tiên, mình xem đáp án để xem cách họ viết, cách triển khai ý, cấu trúc ngữ pháp thế nào để học theo và áp dụng. Sau đó, bắt đầu luyện viết. Viết xong nếu có thể nhờ người sửa cho bạn được thì tốt; nếu không cố gắng viết thật nhiều, bắt chước những câu mà đáp án đề viết Topik hay dùng.

Cách mình luyện viết câu 54 như sau:

– Lập dàn ý cho bài viết, giống như làm bài văn khi học trung học cơ sở, trung học phổ thông ấy. Nhớ là phải viết dàn ý đó ra giấy nhé, khi ôn thi hay lúc làm bài thi cũng vậy.

Trong câu 54, đề bài yêu cầu thí sinh nêu quan điểm về vấn đề bằng cách trả lời 2 hoặc 3 câu hỏi. Mình sẽ lập dàn ý theo những câu hỏi đó, mỗi câu hỏi là 1 ý lớn và trong ý lớn đó lại chia ra thành các ý nhỏ. Lúc viết, mình chỉ cần viết theo dàn ý đó rất dễ dàng.

– Tại sao nên lập dàn ý trước cho bài viết? Dàn ý này giống như bộ xương vậy, khi bắt tay vào viết thì bạn chỉ cần đắp thịt cho bộ xương đó, tức là thêm câu cú để hoàn chỉnh bài viết. Thứ nhất, giúp bạn định hình sẵn nội dung cần thiết cho bài viết. Thứ hai, giúp bạn không quên ý, thiếu ý khi viết. Thứ ba, giúp cân đối nội dung các ý lớn trong bài viết. Thứ tư, viết dàn ý ra giấy để bạn nhìn vào đó khi viết, còn nếu chỉ nghĩ trong đầu sẽ rất khó hình dung, lo thiếu ý này ý khác.

– Lưu ý: Số lượng các ý nhỏ trong mỗi ý lớn nên đồng đều nhau, ví dụ ý lớn thứ nhất có 3 ý nhỏ thì các ý sau cũng vậy, hoặc tối thiểu cũng là 2 ý; nếu các ý lớn sau chỉ có 1 ý nhỏ sẽ làm bài viết mất cân đối kiểu “đầu voi đuôi chuột”.

– Mình chia bài viết thành các đoạn nhỏ giống như đáp án. 1 đoạn mở bài, 3 ý lớn trả lời 3 câu hỏi là 3 đoạn và kết bài là 1 đoạn. Như thế, bài viết sẽ thoáng và người chấm dễ nhìn hơn để cho điểm (Thi Topik có cả nghìn bài, phải đọc cả bài viết dài ngoằng sẽ khiến họ mệt mỏi, không muốn đọc).

P/S: Đây là kinh nghiệm của mình khi ôn đề viết Topik. Chúc các bạn ôn thi tốt và thi Topik đạt kết quả cao nhất!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *