Phải chuẩn bị tinh thần, kỹ năng gì? Chuẩn bị những gì để có thể “sống sót””qua giai đoạn đầu? Mình sẽ chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm của bản thân để tham khảo nhé.

1/ Năng lực tiếng Hàn

Vào làm phiên dịch ở công ty Hàn Quốc thì tất nhiên là năng lực tiếng Hàn phải tốt, để có thể đảm nhận công việc biên phiên dịch rồi. Cái này thì công ty sẽ kiểm tra, đánh giá qua CV của bạn. Xem bạn có học chuyên ngành tiếng Hàn không, có chứng chỉ Topik, OPIC cấp mấy.

Lúc phỏng vấn, họ sẽ test khả năng nói tiếng Hàn của bạn, có thể có cả bài test dịch văn bản liên quan đến công việc hoặc đời sống hàng ngày. Trước mình từng đi phỏng vấn ở một công ty, ông giám đốc đọc một đoạn trong quyển sách tiếng Hàn rồi yêu cầu ứng viên take note lại đoạn đó.

Phỏng vấn thì có thể phỏng vấn 1 vòng duy nhất nếu ứng tuyển vào công ty nhỏ. Hoặc phỏng vấn qua 2 vòng hay 3 vòng nếu là công ty lớn. Có thể phỏng vấn 1 : 1, tức là chỉ có một người phỏng vấn, hoặc phỏng vấn với cả một hội đồng (có từ 2 – 4 người sẽ thay nhau phỏng vấn bạn). Phỏng vấn với cả hội đồng thì áp lực hơn. Nhưng các bạn đừng lo, cứ đi phỏng vấn nhiều sẽ quen hết.

2/ Gõ bàn phím tiếng Hàn

Hẳn nhiều bạn sẽ cười và bảo: Ai học tiếng Hàn, nhất là ứng tuyển phiên dịch mà chả gõ được tiếng Hàn, cần gì phải luyện tập hay chuẩn bị. Đừng chủ quan.

Mình thấy có nhiều bạn chát tiếng Hàn nhanh như gió trên điện thoại, nhưng lại không gõ được tiếng Hàn trên máy tính hoặc gõ như mổ cò. Ngay như tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ mà nhiều bạn còn gõ như mổ cò trên máy tính, hoặc vừa gõ vừa phải dí mắt vào bàn phím để nhìn xem đó là chữ gì.

Trước đây mình từng đi phỏng vấn ở một công ty Hàn, họ yêu cầu gõ tiếng Hàn trên bàn phím để xem tốc độ gõ thế nào. Mình gõ được tiếng Hàn nhưng gõ còn rất chậm nên là bị out luôn.

Lần khác, có một bạn trúng tuyển vào làm phiên dịch tiếng Hàn ở công ty mình. Lúc phỏng vấn, sếp mình cũng chỉ test khả năng nghe nói tiếng Hàn, rồi dịch văn bản bằng cách viết trên giấy. Nhưng hôm đầu bạn ấy đi làm thì mới ngã ngửa ra là bạn ấy không gõ được bàn phím tiếng Hàn trên máy tính. Lúc đó sếp bảo bạn ấy làm báo cáo tiếng Hàn, thì thấy bạn ấy dùng bàn phím ảo trên Google dịch để nhập. Vậy là sếp mình cho bạn ấy out luôn.

Thế nên, nếu bạn muốn ứng tuyển vào làm phiên dịch ở công ty Hàn Quốc thì luyện tập gõ tiếng Hàn trên máy tính ngay từ bây giờ đi nhé. Trước mình luyện tập như sau: Mua miếng dán bàn phím tiếng Hàn về, dán đè lên các nút trên bàn phím máy tính. Sau đó, tập gõ tiếng Hàn, gõ từng câu một, rồi đến gõ đoạn văn. Vừa nhìn bàn phím vừa gõ. Ngày nào cũng luyện, khi đã quen rồi thì không cần nhìn bàn phím vẫn có thể gõ được tiếng Hàn. Đến giờ, kể cả bàn phím không dán chữ tiếng Hàn thì vẫn gõ ngon lành.

3/ Dịch văn bản, hợp đồng

Nhiều công ty phỏng vấn ứng viên vị trí phiên dịch tiếng Hàn bằng hai hình thức: Hỏi đáp và dịch văn bản. Như mình đi phỏng vấn ở mấy công ty Hàn, công ty nào cũng phải làm bài test dịch văn bản. Trong khi làm việc thì chắc chắn bạn sẽ phải dịch báo cáo, hợp đồng, công văn, báo giá, đủ các nội dung trên trời dưới biển.

Như mình ngày đầu tiên đi làm ở một công ty thì đã phải dịch phần sửa chữa lỗi của thiết bị. Hay ở công ty khác thì được quăng cho một file đấu thầu xây dựng dài gần chục trang và yêu cầu dịch gấp sang tiếng Hàn. Toàn tài liệu chuyên ngành đến tiếng Việt còn không hiểu.

Thế nên, từ trước khi ứng tuyển vào công ty Hàn, bạn phải luyện tập dịch văn bản, hợp đồng ngay đi. Mình tìm đủ thứ nội dung trên mạng: Nội quy khu chung cư, hướng dẫn sử dụng thang máy, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm bằng tiếng Hàn, tiếng Việt rồi dịch ngược lại ra ngôn ngữ kia. Luyện dịch xuôi dịch ngược.

Lên mạng download hợp đồng bằng tiếng Hàn, rồi dịch ra tiếng Việt. Ghi những cụm từ, biểu hiện, câu hay sử dụng trong hợp đồng: Điều khoản, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tiếng Hàn là gì? Hợp đồng mua bán, hợp đồng xây dựng thì tiếng Hàn là gì? Câu ‘Hợp đồng này được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản’ thì tiếng Hàn là gì? Vân vân và mây mây. Luyện dịch hợp đồng Hàn – Việt xuôi ngược. Sau này vào công ty sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn.

4/ Phải kiên trì, “mặt dày”

Tại sao mình lại bảo phải “mặt dày” khi mới vào làm phiên dịch ở công ty Hàn Quốc?  Vì rất nhiều bạn muốn nghỉ việc chỉ sau 1 tháng, thậm chí là 1 tuần hoặc vài ngày sau khi làm ở vị trí phiên dịch.

Điều này hay xảy ra với những bạn lần đầu tiên làm phiên dịch ở công ty Hàn Quốc vì khả năng tiếng Hàn chưa tốt, không có vốn từ vựng chuyên ngành, chưa có kinh nghiệm đi làm.

Còn với những người có vài năm kinh nghiệm làm phiên dịch thì dù vào làm ở một lĩnh vực mới toanh nhưng họ cũng dễ dàng bắt nhịp công việc hơn. Và cũng từng va vấp, bị vùi dập, hoàn cảnh xô đẩy nhiều nên khả năng sinh tồn cũng mạnh mẽ hơn.

Có những bạn dù là Topik 5, 6, thậm chí có cả bạn đi du học ở Hàn về nhưng nghe nói tiếng Hàn kém. Bởi có Topik 5,6 cũng chỉ là thi trên sách vở; sách và thực tế khi đi làm thì khác nhau một trời một vực.

Trong sách, thi Topik thì người ta nói giọng Seoul; còn mấy ông Hàn ở công ty thì nói đủ loại giọng từ giọng chuẩn Seoul đến giọng địa phương như Busan, Deagu. Trong sách người ta nói còn theo chuẩn ngữ pháp; ngoài đời thì người ta nói không tuân theo chuẩn ngữ pháp nào. Sách còn tua để người ta nói chậm được, ở công ty không lẽ bắt người Hàn nói thật chậm để mình nghe đến khi nào hiểu thì thôi?

Chưa kể, mới đi làm chân ướt chân ráo đã phải vập ngay vào chuyên ngành, nào là linh kiện điện tử, may mặc, xây dựng, máy móc, cơ khí. Đến tiếng Việt còn không hiểu nói gì đến tiếng Hàn. Từ vựng thì không biết, quy trình công việc không hiểu nên nhiều bạn kiểu “chết đứng như Từ Hải” mỗi lần phải phiên dịch. Không nghe được sếp nói gì, mình nói tiếng Hàn thì sếp không hiểu. Không dịch được nên bị ăn chửi nên càng sợ, càng sợ lại càng không dịch được. Cứ một vòng luẩn quẩn như thế.

Lời khuyên cho các bạn là phải “mặt dày” . Không dịch được thì xấu hổ, tự ti vô cùng nhưng phải tự động viên bản thân nhẫn nại, kiên trì, tự hứa rằng: Mình sẽ vượt qua, sẽ làm được. Chả lẽ vào chỗ nào cũng nghỉ việc sau một tháng vì thấy xấu hổ, tự ti không dịch được à?

Hãy chăm chỉ học hỏi nhiều nhất có thể, hỏi đồng nghiệp, hỏi sếp, tự tìm hiểu. Người Hàn rất thích nhân viên luôn chăm chỉ, học hỏi nên sẽ không có ai từ chối khi bạn hỏi cả. Từ vựng nào chưa biết thì hỏi, phần nào chưa hiểu thì hỏi nhờ giải thích. Khi bạn có mối quan hệ với sếp tốt hơn, nói chuyện nhiều nên quen giọng sếp thì lúc đó bạn cũng sẽ dễ dàng hiểu được những gì sếp nói. Và từ đó cũng bớt run rẩy, căng thẳng mỗi lần phải phiên dịch.

Đây là những chia sẻ của mình với các bạn khi mới vào làm phiên dịch ở công ty Hàn Quốc. Phiên dịch tiếng Hàn là công việc không hề dễ dàng, nhiều áp lực. Nhưng những người khác làm được thì chắc chắn các bạn cũng sẽ làm được và làm tốt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *