Có bạn nào đến bây giờ vẫn nghĩ từ 보고 싶다 là động từ không? Có bạn nào đến bây giờ nói tiếng Hàn mà không hề có ngữ điệu hoặc ngữ điệu tiếng Hàn lên xuống tùy cảm hứng không? Có mình đấy. Nhưng may là mình đã kịp “giác ngộ” và sửa sai (May quá là may!! May là không phí hoài cả cuộc đời học tiếng Hàn!). Mình sẽ liệt kê cho các bạn 4 lỗi sai nhớ đời khi học tiếng Hàn của mình để các bạn tránh nhé.

1. Ngữ điệu tiếng Hàn sai be bét

Mình học tiếng Hàn ở trung tâm trong 8 tháng, sau đó tự học cho đến bây giờ. Lúc học phát âm bảng chữ cái, giáo viên chỉ bảo bọn mình là phụ âm thường thì đọc bình thường; phụ âm bật hơi thì khi đọc phải có hơi bật ra; phụ âm căng thì phải đọc căng miệng.

Báo hại mình tập phát âm đến sái cả quai hàm mấy phụ âm căng này và kết quả là đọc… vẫn sai. Giáo viên không hề dạy phụ âm nào lên giọng, phụ âm nào xuống giọng. Sự thực thì chẳng được học phát âm một giờ nào, chỉ là học thuộc bảng chữ cái làm vốn giắt lưng cho cả quãng đời học tiếng Hàn.

Hậu quả là, khi mình đã đọc được đoạn văn trôi chảy thì bạn mình bảo: “Sao mày đọc tiếng Hàn mà giống tiếng Pháp thế?”. Một thời gian sau, khi nói chuyện với người Hàn thì họ bảo: “Sao mày nói tiếng Hàn mà giọng cứ cao vút thế? Mà mấy người Việt Nam tao nói chuyện cùng thì giọng cũng cao vút như mày”. Tao cũng chẳng biết nữa :((

Vậy nguyên nhân là gì? Nguyên nhân là mình phát âm sai hết. Là nói tiếng Hàn không biết chỗ nào lên giọng xuống giọng. Sai thì sửa. Mình tìm hiểu tài liệu, video dạy phát âm trên mạng rồi mới biết có quy tắc ngữ điệu lên giọng xuống giọng khi đọc một từ, một câu. Ví dụ như: Phụ âm thường thì xuống giọng (trừ ㅎ); phụ âm bật hơi, phụ âm căng và ㅎ thì lên giọng. Và còn một số quy tắc nữa. Các bạn tìm trên Internet để sửa phát âm và luyện phát âm nhé.

2. Nhầm tính từ là động từ

Có bạn nào nghĩ từ 보고 싶다 trong câu 가족이 보고 싶다 (Dịch là “nhớ nhà”) là tính từ không? Chắc chắn là có. Và trước đây mình cũng từng nghĩ vậy. Logic là 보고 싶다 có nghĩa là “Nhớ” -> Từ này trong tiếng Việt là động từ thì đương nhiên từ 보고 싶다 cũng là động từ. Sự thực thì từ보고 싶다trong câu 가족이 보고 싶다 là tính từ vì nó đi với tiểu từ이. Nếu nó đi với 을/를 thì mới là động từ và lúc này có nghĩa là “muốn gặp, muốn xem”.

Ví dụ khác mà trước đây mình nhầm lẫn mãi là 좋다/ 좋아하다: Thích. 좋아하다 là động từ thì ai cũng biết. Nhưng mình còn nhầm cả좋다 cũng là động từ vì nó cũng có nghĩa là thích. Vì thế mà mình viết câu ngây ngô và bị người Hàn sửa mãi: 고양이를 좋아요 -> sai nghiêm trọng. Đúng là: 좋다 là tính từ nên sẽ đi với tiểu từ 이/가 ->고양이가 좋아요. => Các bạn chú ý đừng mắc lỗi sai này nhé.

3. Từ “xin lỗi” nói cũng sai

Từ 미안해요: Xin lỗi. Bất cứ bạn nào học tiếng Hàn cũng biết từ này và nói rất trơn tru. Thậm chí cả những người không học tiếng Hàn cũng nói được vì xem phim Hàn đã quá quen từ này rồi. Nhưng bạn có chắc chắn là mình phát âm đúng không? Không. Trước đây mình đã phát âm sai. Mình vô tư phát âm cả phụ âm ㅎ của từ này là mianhaeyo.

Nhưng khi xem phim hay nghe người Hàn nói mới để ý, không thấy họ phát âm phụ âm ㅎmà phát âm là miannaeyo. Sao thế này hả trời??? Thì ra là quy luật biến âm. Âm ㄴ khi gặp âm ㅎ thì ㅎ sẽ biến mất và nối âm ㄴ lên cho 애. (Về phần này, các bạn xem lại quy tắc biến âm nhé, có rất nhiều trên các trang web học tiếng Hàn hoặc Youtube).

4. Ngữ pháp “마세요” từ đâu ra vậy??

Khi học đến ngữ pháp Động từ + 지 말다: Đừng làm gì. Sau đó lại học đến ngữ pháp Động từ + 지마세요: Cũng có nghĩa là Đừng làm gì. Giáo viên chỉ giải thích là 2 ngữ pháp này giống nhau và chấm hết. Đến khi học bất quy tắc của phụ âm ㄹ mới biết. Phụ âm “ㄹ” khi gặp “ㄴ,ㅂ,ㅅ,으,ㄹ” thì “ㄹ” biến mất. Thế nên지 말다 sẽ biến thành지마세요 (“ㄹ” của 말 biến mất khi gặp “ㅅ”). Ví dụ câu 가지 말아요 -> 가지 마세요. Câu 먹지 말아요 -> 먹지 마세요.

Đây là những lỗi sai nhớ đời của mình khi học tiếng Hàn và mình chia sẻ để cho các bạn tránh nhé. Đừng ai gặp phải lỗi sai giống mình. Các bạn hãy học tiếng Hàn cẩn thận, bài bản ngay từ ban đầu để học tiếng Hàn ngày càng tốt hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *