Lần đầu tiên mình thi Topik II mà lúc làm đề nghe không hiểu họ nói gì luôn, chỉ biết là đang nói tiếng Hàn. Kết quả là nhắm mắt chọn đại một đáp án thấy có vẻ hợp lý, kiểu “ chó ngáp phải ruồi” cũng đúng được khoảng hơn 10 câu. Tuy nhiên, từ những lần ôn thi Topik sau mình dần rút ra được kinh nghiệm luyện đề nghe và kỹ năng làm bài nghe Topik. Lần này mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm luyện đề nghe Topik. Và lần sau mình sẽ chia sẻ với các bạn kỹ năng làm bài nghe Topik nhé.

Ngay sau khi đăng ký thi Topik xong, mình đã lên kế hoạch ôn thi Topik cụ thể cho đề nghe (cả đề đọc và đề viết nữa). Tháng 7 là đăng ký kỳ thi vào tháng 10 thì ngay từ tháng 7 mình đã lên kế hoạch ôn thi chi tiết, sau đó bắt đầu học luôn. Kế hoạch này gồm các bước cụ thể, giúp mình định hình rõ ràng từng bước một để chinh phục được đề nghe Topik.

Bước 1: Học cấu trúc ngữ pháp

Học cấu trúc ngữ pháp không chỉ phục vụ riêng cho đề nghe mà còn đề làm đề đọc và đề viết. Thế là “một công ba việc” đúng không? Mình học ngữ pháp bằng quyển Tiếng hàn tổng hợp cho người Việt Nam. Giáo trình này giới thiệu ngữ pháp từ sơ cấp đến cao cấp, và từ quyển 1 đến quyển 6. Tùy mục tiêu Topik bạn muốn đạt được mà học đến ngữ pháp trung cấp hay cao cấp. Mình thì học tất cả ngữ pháp từ sơ cấp đến cao cấp.

Bạn biết từ vựng nhưng lại không nắm được cấu trúc ngữ pháp thì cũng sẽ không hiểu được nội dung đoạn hội thoại trong bài thi. Trước mình mới học hết ngữ pháp sơ cấp của Tiếng hàn tổng hợp 1 nên khi làm đề nghe Topik xuất hiện những ngữ pháp của quyền 2, 3, 4 là bó tay luôn. Vì thế nghe thấy những ngữ pháp như 달라고, 다고 하다, 말고, 다시피, 나봐요… mới đầu mình còn nghĩ đó là từ vựng, tra từ điển mỏi mắt. Thế nên khi ôn đề nghe Topik, các bạn nhớ học cả ngữ pháp nữa nhé!

Bước 2: Xem đề nghe Topik -> nắm được dạng bài

Có bạn nào làm bài thi Topik mà không hiểu đề bài yêu cầu gì không? Có mình. Lần đầu tiên đi thi Topik, đề viết thì có 3 dạng câu hỏi nên mình nắm được là họ yêu cầu làm gì; còn đề đọc và đề nghe cả 50 câu nên những câu đầu còn hiểu đề bài yêu cầu gì, những câu sau là không dịch được đề bài nói gì, yêu cầu gì.

Thế nên, khi ôn thi mình đã cẩn thận dịch từng câu hỏi trong đề nghe Topik ra tiếng Việt để xem họ yêu cầu phải trả lời những gì. Sau đó mới biết là câu 1, 2, 3 là tìm bức tranh đúng với nội dung đoạn hội thoại; câu 4 – 8 là chọn câu nói tiếp theo của đoạn hội thoại. Câu 9 – 12 là chọn hành động tiếp theo của người đàn ông/phụ nữ trong đoạn hội thoại. Câu 17 – 20 là lựa chọn suy ngữ trọng tâm của người đàn ông/phụ nữ trong đoạn hội thoại… (P/S: Mình cũng đã có một bài về dạng bài trong đề nghe Topik để các bạn tham khảo nhé).

Bước 3: Luyện đề nghe như thi thật

Khi luyện đề nghe Topik lần đầu tiên, đừng làm theo kiểu muốn làm trong thời gian bao lâu thì làm vì nghĩ rằng tâm lý có thoải mái thì làm bài mới tốt. Mình đã từng làm như vậy và thực tế là cho hiệu quả ngược. Thời gian thi là 60 phút cho 50 câu nhưng mình làm trong cả tiếng rưỡi, hai tiếng. Câu nào chưa nghe rõ thì dừng audio lại, tua đi tua lại nghe rõ thì thôi. Kết quả là điểm nghe của mình ở nhà thì rất cao nhưng khi đi thi thật thì rất thấp. Nguyên nhân là lúc làm đề ở nhà thì mình cả 4, 5 lần nhưng đi thi nghe được có 1 lần thì không nghe được.

Đề nghe Topik có 50 câu, thời gian thi là 60 phút (Từ đề 35 trở đi). Khi luyện đề mình cũng làm giống như đang đi thi. Lần đầu tiên, mình làm đề trong 60 phút, sau đó đối chiếu với đáp án xem đúng được bao nhiêu câu. Mình đóng kín cửa phòng cho yên tĩnh, tắt tất cả các ứng dụng chat, để chuông báo trong 60 phút để tập trung cao độ nhất khi làm bài. Nhờ đó, mình có tâm lý như đang thi thật nên tập trung cao độ, rút ra cách phân bố thời gian hợp lý cho từng câu, kiểm tra mình sẽ đạt được bao nhiêu điểm khi tâm lý bị áp lực lúc làm bài thi. Từ đó, có “chiến lược ôn luyện”  hiệu quả.

Thế nên, trong lần đầu tiên luyện bài nghe Topik, bạn nghe đúng trong thời gian thi quy định, nghe được bao nhiêu câu thì nghe. Sau đó kiểm tra đáp án, nghe lại những câu chưa nghe được, nghe đến 2 lần,  3 lần, n lần cũng được. Nếu chưa nghe được thì xem phần transcript nhé.

Bước 4: Học từ vựng qua đề Topik

Mình tra nghĩa của những từ mới trong đề nghe Toipk và cả phần transcript. Vì lười nên mình không đề ra nguyên tắc là một ngày phải học bao nhiêu từ vựng. Mà sau khi tra nghĩa xong,hàng ngày mình sẽ đọc lại đề Topik và phần transcript xem nhớ được bao nhiêu phần trăm. Ngày nào cũng lôi ra xem, quên nghĩa từ nào thì tra lại nghĩa của từ đó. Đây là cách học từ vựng khi thi Topik của mình. Tùy mỗi người mà các bạn có cách học khác nhé.

Bước 5: Nghe đề Topik hàng ngày

Đang nghe đề Topik I nói rất chậm lại dễ hiểu nên chuyển sang nghe Topik II thấy nhanh hơn rất nhiều, từ nào cũng không biết nên thấy xây xẩm mặt mày. Đang nghe toàn những câu đơn giản như đang làm gì, quyển sách ở đâu…, lại được nghe tới 2 lần nên thấy dễ như ăn cháo. Còn Toipk II thì chỉ được nghe 1 lần với mỗi câu (từ câu 1 – 20), từ câu 20 – 50 được nghe 2 lần mỗi câu nhưng nội dung lại khó khủng khiếp. Toàn những thứ trên trời dưới biển gì mà về môi trường, giáo dục, ẩm thực, tọa đàm, phim tài liệu…

Thế là để dần quen với tốc độ nghe của Topik II, ngày nào lúc nào mình cũng nghe. Vào youtube, gõ “nghe Topik II” là ra hàng loạt các audio để mình luyện nghe. Lúc luyện đề đọc, đề viết, học từ vựng, ngữ pháp, nấu cơm, giặt quần áo, làm bất cứ thứ gì mình cũng bật youtube lên đề nghe. Rồi cũng quen dần với tốc độ của đề nghe Topik II và không còn thấy choáng váng nữa. Sau đấy, mình nghe thêm cả tin tức bằng tiếng Hàn để luyện thêm tốc độ nghe, học từ vựng nữa.

Đây là những kinh nghiệm luyện nghe đề Topik của mình. Các bạn thử áp dụng xem nhé. Lần sau mình sẽ chia sẻ kỹ năng làm đề thi Topik mình rút ra được trong quá trình ôn thi nhé. Hẹn gặp lại các bạn!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *