Đây là câu hỏi nhiều bạn băn khoăn nhất khi bắt đầu tự học tiếng Hàn. Không biết phải bắt đầu học từ cái gì, học như thế nào, chọn giáo trình nào. Mình sẽ chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm tự học tiếng Hàn của mình nhé.
# 1 Chọn giáo trình phù hợp với bạn
Việc đầu tiên bạn nên làm là chọn một giáo trình tiếng Hàn phù hợp với bạn, chọn giáo trình nào mà bạn thấy học dễ vào nhất là ok. Kiến thức trong các giáo trình tương tự nhau thôi, chỉ khác cách trình bày, diễn giải, cách bố trí bài học.
Giáo trình tiếng Hàn tổng hợp được nhiều trung tâm dạy tiếng Hàn cũng như nhiều bạn tự học tiếng Hàn lựa chọn nhất. Giáo trình có phần giải thích bằng tiếng Việt nên bạn sẽ dễ hiểu hơn. Còn có giáo trình của các trường đại học như Seoul, Kyunghee, Sejong, Yonsei dùng ngôn ngữ Hàn – Anh nên rất tiện với các bạn học tiếng Hàn bằng tiếng Anh.
# 2 Học thuộc bảng chữ cái
Có học thuộc bảng chữ cái thì mới ghép thành từ để đọc, ghép từ thành câu để nói được. Nếu bạn học nhanh thì chừng 1 ngày là nhớ được hết bảng chữ cái. Nếu học chậm thì mất vài ngày. Khi học thuộc và tập viết bảng chữ cái, bạn nhớ lưu ý nguyên tắc viết chữ trong tiếng Hàn là từ trên xuống dưới, từ dưới qua phải để đúng là viết chữ, chứ không phải vẽ chữ.
# 3 Học phát âm
Phần phát âm cực kỳ quan trọng khi học tiếng Hàn và với bất kỳ ngoại ngữ nào. Nếu bạn phát âm sai từ đầu thì sau này rất khó sửa; phát âm sai làm bạn nghe nói không tốt. Thế nên, ngay từ khi luyện đọc bảng chữ cái, bạn cần lưu ý phát âm chuẩn từng nguyên âm, phụ âm. Có thể lên Youtube để tìm những video hướng dẫn phát âm chuẩn tiếng Hàn và học theo. Ban đầu luyện phát âm sẽ thấy rất khó và chán, lại mỏi mồm nữa nhưng dần dần sẽ quen. Chịu khó bỏ nhiều công sức học phát âm chuẩn ngay từ đầu thì sau này bạn học tiếng Hàn sẽ rất nhàn, hiệu quả.
# 4 Phụ âm cuối – Patchim
Phụ âm cuối hay còn gọi là phụ âm dưới, chỉ phụ âm đứng ở dưới cùng trong một từ. Ban đầu, mình thấy học patchim là loạn cào cào hết cả vì nào là patchim đơn, patchim kép không thể nào nhớ được. Nhưng patchim cũng có quy tắc và chỉ cần nhớ quy tắc là được. Sau đó, luyện đọc thật nhiều là dần dần nhớ được hết.
# 5 Biến âm, nối âm
Biến âm, nối âm cũng là phần mình thấy khoai nhất khi bắt đầu học tiếng Hàn. Ví dụ như: 국립 -> phải đọc thành 궁닙; tương tự ví dụ như작년 -> 장년; 음력 -> 음녁; 미안해요 -> 미아내요. Nắm được quy tắc biến âm, nối âm và đọc đúng từ thì khi bạn nói tiếng Hàn, người nghe mới hiểu hay nghe tiếng Hàn thì bạn mới hiểu được.
Quy tắc về biến âm, nối âm khá nhiều nên ngay từ đầu bạn sẽ không thể nhớ hết được. Cứ học từng ít một, rồi dần dần bạn nhớ những quy tắc đó lúc nào không hay. Cách học của mình là với mỗi một quy tắc, học luôn một từ cụ thể để lần sau gặp từ tương tự thì áp dụng theo quy tắc đó là được.