collocations chủ đề study

Phần viết là một trong những phần nhiều bạn dễ lười nhất khi ôn thi Topik vì vừa khó vừa mất nhiều thời gian khi học. Tuy nhiên, phần này sẽ không quá khó khi các bạn tìm được phương pháp học và đầu tư thời gian cho nó. Mình sẽ chia sẻ với các bạn cách mình ôn thi phần viết khi tự ôn thi Topik II. Hy vọng sẽ hữu ích với các bạn.

1/ Tài liệu ôn thi phần viết Topik II

– Nếu có điều kiện, các bạn có thể mua sách luyện thi viết Topik để học. Trong sách sẽ hướng dẫn cách làm bài thi, cách viết khoảng cách trên giấy thi, đề thi thử có cấu trúc giống đề Topik để bạn luyện viết và kèm theo những đoạn văn mẫu để bạn tham khảo và học theo.

– Mình thì tận dụng sẵn những tài liệu có sẵn trên mạng đó là đề thi viết Topik II các năm. Mình download cả đề và đáp án, làm rồi sau đó đối chiếu với đáp án, đọc kỹ đáp án để tham khảo cách viết của họ.

– Tài liệu ôn thi viết Topik đó là đề viết Topik II các năm (từ kỳ 35 trở đi), đề viết Topik trung cấp (nếu có thời gian) từ kỳ 34 trở lại.

2/ Ôn thi Topik phần viết bắt đầu từ đâu?

– Bước 1: Học nguyên tắc viết cách chữ trong tiếng Hàn

Học nguyên tắc viết cách chữ trong tiếng Hàn, cách đặt dấu phẩy, dấu chấm sao cho đúng vị trí. Viết đúng khoảng cách các chữ trên giấy giấy 원고지 (giấy kẻ ô) khi làm bài thi viết Topik thì mới đúng quy tắc và không bị trừ điểm.

Lần đầu tiên thi Topik thì tận đến khi ôn thi mình mới biết là viết tiếng Hàn phải viết đúng khoảng cách, vì trước đó trong quá trình học không có bất cứ giáo viên nào nói với bọn mình về điều này. Mình cứ viết giống như trong tiếng Việt, viết cách viết liền tùy theo ý thích.

Nguyên tắc viết cách chữ bạn nên lưu ý ngay từ khi mới bắt đầu học tiếng Hàn (Ví dụ: 저는 우유를 좋아합니다 -> viết đúng khoảng cách;  저 는 우 유 를 좋 아 합 니다, 저 는 우유 를 좋아합니다 -> viết sai khoảng cách. Còn nguyên tắc vị trí đặt dấu phẩy, dấu chấm, dấu hỏi, khoảng cách khi viết số thì bạn tìm trên mạng sẽ có.

– Bước 2: Tìm tài liệu ôn thi

+ Câu 51, 52:  Lấy câu 51, 52 trong đề topik viết II từ kỳ 35 trở đi để ôn. Nếu còn thời gian thì lấy câu 43, 44 trong đề Topik trung cấp từ kỳ 34 trở lại để ôn. Download cả đề và đáp án về, cứ vào Google gõ “download đề Topik” là ra, tha hồ tải về.

+ Câu 53: Ôn câu 53 trong đề viết Topik II từ kỳ 35 trở đi.

+ Câu 54: Câu 54 trong đề viết Topik II từ kỳ 35 trở đi, rảnh rỗi thì ôn thêm câu 45 trong đề Topik trung cấp từ kỳ 34 trở về.

Bước 3: Bắt tay vào ôn

– Câu 51, 52:

Đây là dạng bài điền câu vào chỗ trống sao cho phù hợp với nội dung của đoạn văn. Các bạn lưu ý là đuôi câu điền vào chỗ trống phải giống với đuôi câu sử dụng trong đoạn văn. Ví dụ đoạn văn sử dụng đuôi 합니다, 아/어요, 한다 thì câu điền vào cũng phải sử dụng đuôi 합니다, 아/어요, 한다 giống như thế.

Mình cứ làm đi làm lại mấy câu này, làm xong xem đáp án để biết họ viết thế nào. Sau đó lại làm đi làm lại cho quen, cái chính là để mình luyện suy nghĩ thật nhanh để nghĩ ra câu cần điền trong thời gian nhanh nhất. Ban đầu chưa quen, thì mình cứ nhẩn nha suy nghĩ để tìm ra đáp án, sau quen rồi thì sẽ đặt đồng hồ quy định chỉ làm câu đó trong vài phút giống như khi đi thi để tạo áp lực bắt bản thân suy nghĩ nhanh nhất để tìm ra đáp án.

– Câu 53:

Miêu tả dạng biểu đồ hình tròn, tháp hay dạng sơ đồ. Các bạn nên học thuộc các cấu trúc thường dùng trong câu 53, sau đó áp vào từng dạng bài là được. Cứ viết thật nhiều là sẽ nhớ và sẽ quen, rồi viết rất nhanh.

Khi ôn Topik, mình cũng khống chế chỉ được viết câu này trong vòng 10 – 15 phút, khi đi thi sẽ quen với áp lực phải viết trong thời gian ngắn như vậy. Nên nhớ thêm một điều nữa là cần viết cả câu mở đầu, thân bài và câu kết luận thì dễ được điểm cao cho câu này.

– Câu 54:

Thường viết về các vấn đề xã hội như Hạnh phúc là gì, Thành công là gì, tầm quan trọng của việc đọc sách, ưu điểm và nhược điểm của sự cạnh tranh…

Mình thường tham khảo cách viết trong đáp án để xem họ viết như thế nào rồi học theo. Viết xong có người sửa cho thì tốt, nếu không thì cứ viết thật nhiều, học viết theo các câu trong đáp án, trong đề Topik rồi dần dần viết sẽ mượt hơn.

Thói quen của mình khi làm câu 54 đề viết Topik đó là luôn lập dàn bài, cả khi ôn thi lẫn khi đi thi. Thường câu 54 trong đề thi sẽ đưa ra vấn đề, sau đó là 2 – 3 câu hỏi cần phải trả lời. Mình sẽ lập dàn bài bám vào các ý cần trả lời đó, mỗi ý có bao nhiêu ý nhỏ. Như vậy mình sẽ hình dung được sẽ viết những gì trong bài và không bị sót ý.

Ưu tiên của mình khi làm câu này là viết đúng trước đã, dùng những ngữ pháp cấu trúc đơn giản. Khi nào viết tốt rồi thì mới dùng những ngữ pháp cao cấp, câu cao cấp hơn. Câu 54 cũng cần viết mở bài, thân bài, kết luận giống như khi bạn làm môn văn ở trung học vậy thì mới được điểm cao.

Tóm lại, đề viết Topik ôn mất nhiều thời gian và cũng có vẻ khó hơn đề đọc, nghe đối với nhiều bạn. Bạn nên cân đối thời gian ôn giữa các phần nghe, đọc, viết; ôn luyện phần viết đều đặn, đừng bỏ bê nó không thì rất dễ gặp tình trạng điểm lệch, tức là nghe đọc rất cao còn phần viết điểm rất thấp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *