Nhà bán hầm ở Hàn Quốc – Nơi ở chỉ dành cho người nghèo
Ông chú lái xe Ki-taek (diễn viên Song Kang-Ho thủ vai) nhìn lên cửa sổ từ căn nhà bán hầm là một cảnh rất ấn tượng trong phim “Ký sinh trùng” (Parasite) của Hàn Quốc. Những tưởng, nhà bán hầm ẩm thấp, tăm tối chỉ có trong phim, nhưng thực tế lại dễ dàng bắt gặp ở thủ đô Seoul giàu có.
Nhà bán hầm là gì?
Nhà bán hầm ở Hàn Quốchay còn được gọi là “banjiha”. Nhà bán hầm có một nửa chìm dưới lòng đất và một nửa nằm trên mặt đất. Kiểu nhà này phổ biến tại Hàn Quốc, đặc biệt là các thành phố lớn như Seoul.
Đạo diễn Bong Joon-ho của bộ phim “Ký sinh trùng” từng chia sẻ: “Khi tôi làm phụ đề tiếng Pháp và tiếng Anh cho bộ phim, tôi nhận ra rằng không có từ nào chính xác cho từ Nhà bán hầm”. Những căn nhà bán hầm vốn rất hiếm ở các nước khác, nhưng từ lâu đã được sử dụng là nhà ở cho người nghèo ở các thành phố của Hàn Quốc”.
Tại sao nhà bán hầm phổ biến ở Hàn Quốc?
Có một số lý do chủ yếu khiến nhà bán hầm trở nên phổ biến ở các thành phố lớn của Hàn Quốc.
Nhu cầu nhà ở tăng cao: Nhu cầu nhà ở của người dần ngày càng tăng, trong khi đó quỹ đất dành cho nhà ở ngày càng khan hiếm. Do vậy, việc xây dựng các loại hình nhà ở tiết kiệm diện tích như nhà bán hầm càng tăng lên.
Giá rẻ: Nhà bán hầm tận dụng được diện tích đất, giảm thiểu vật liệu xây dựng nên có giá rẻ hơn nhiều so với nhà trên mặt đất. Bởi vậy, nhà bán hầm là lựa chọn của những người thu nhập thấp, sinh viên vì họ không có điều kiện sở hữu một căn nhà mặt đất.
Quy định của chính phủ: Chính sách của chính phủ Hàn Quốc từ những năm 1970 yêu cầu xây dựng hầm trú ẩn trong các tòa nhà chung cư thấp tầng, do vậy góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhà bán hầm.
Một số ưu điểm khác: Ở những căn hộ tầng hầm có áp lực nước mạnh, ít nóng vào mùa hè, ít lạnh vào mùa đông, tiết kiệm chi phí sưởi ấm và làm mát, khiến nơi đây trở thành “’một nơi khá hợp lý để sinh sống”.
Nhà bán hầm tiềm ẩn vô vàn rủi ro
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Đô thị Hàn Quốc phân tích dữ liệu vi mô từ Cuộc điều tra dân số và nhà ở thống kê năm 2020, có khoảng 327.000 hộ gia đình với khoảng 600.000 người đang sống trong những căn nhà dưới lòng đất. Trong số này, có khoảng 200.000 hộ gia đình với 355.000 người ở Seoul sống ở căn hộ tầng hầm. Trong số 24 quận tự trị của Seoul, chỉ có 5 quận với hơn 200.000 hộ gia đình, nghĩa là nhiều hộ hơn số hộ ở hầu hết các quận tự trị sống trong các căn phòng dưới lòng đất ở Seoul.
Ở những căn nhà bán hầm, vấn đề về thông gió kém bởi chuyển động của không khí rất hạn chế so với những căn nhà trên mặt đất. Thêm nữa là nhà thiếu ánh sáng, dù có cửa sổ thì cũng gần như vô dụng. Mặt khác, do một phần hoặc toàn bộ ngôi nhà nằm dưới lòng đất nên nhiệt độ trên tường thấp dễ hình thành hơi nước ngưng tụ, dẫn đến độ ẩm cao, dễ phát triển nấm mốc, vi khuẩn.
Đặc biệt, những ngôi nhà bán hầm dễ gặp rủi ro thiên tai như lũ lụt do mưa lớn vào hàng năm. Tiêu biểu như trận mưa lớn lịch sử nhất lịch sử Seoul trong 80 năm qua xảy ra vào tháng 8/2022 khiến một gia đình ba người sống trong căn nhà bán hầm ở phía nam Seoul thiệt mạng.
Tuy tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng hàng ngàn người với gánh nặng kinh tế vẫn phải lựa chọn nhà bán hầm và chấp nhận những nguy cơ đang rình rập cuộc sống của họ hàng ngày. Và họ luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa lụt đến.