Một anh người Hàn kể “sự tích” học tiếng Việt rằng ngày nào anh ấy cũng nghe tin tức tiếng Việt theo kiểu tắm ngôn ngữ, nghe không cần hiểu. Một thời gian sau, bỗng một buổi sáng anh thức dậy và nghe thấy hai bà cô người Việt cãi nhau và anh hiểu hết họ nói những gì.

Mình nghe thế thấy thật là vi diệu và cũng thử xem sao. Mình cũng “tắm” trong tin tức tiếng Hàn, chương trình thực tế, phim của Hàn cả vài tháng rồi cả năm. Nhưng không giống “sự tích” của anh Hàn kia. Cả năm trời nghe tiếng Hàn theo kiểu thụ động, tắm ngôn ngữ không khác gì đàn gảy tai trâu, mình vẫn chả hiểu người ta nói gì, không học thêm được ngữ pháp hay từ vựng nào cho ra hồn.

Nghe thụ động (nghe bị động) là phương pháp luyện nghe ngoại ngữ được rất nhiều người áp dụng và rất nhiều người khuyên nên làm theo để tăng kỹ năng ngoại ngữ. Ai cũng bảo hãy tắm ngôn ngữ nhưng tắm thế nào cho hiệu quả thì không ai nói. Và rồi mình tự mày mò luyện nghe tiếng Hàn thụ động thế nào cho hiệu quả và cũng đã tìm được phương pháp cho riêng mình. Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn làm thế nào để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Hàn bằng phương pháp nghe thụ động nhé.

# Típ 1: Chọn tài liệu nghe phù hợp với trình độ tiếng Hàn của bạn

Nhiều bạn nghĩ rằng nghe thụ động để tắm ngôn ngữ thì nghe gì cũng được miễn là tiếng Hàn. Từ kinh nghiệm của mình thì mình không thấy vậy. Nếu chọn tài liệu nghe không phù hợp với trình độ tiếng Hàn của bạn thì chẳng giúp ích gì.

Khi mình học sơ cấp, lúc nào ngày nào mình cũng nghe tin tức tiếng Hàn rồi phim tài liệu của Hàn về ẩm thực, văn hóa, du lịch vì mình thích những video kiểu này. Nhưng nghe ngày này qua tháng khác mà cũng không bắt được chữ nào, câu nào. Nghe mãi chỉ thấy đau đầu, vừa chán vừa mệt đến mức có những hôm nghe thấy tiếng Hàn là ghét cay ghét đắng.

Sau đấy, mình chọn những nội dung phù hợp với trình độ sơ cấp của mình như bài nghe trong sách, phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, video về đời sống, kiến thức khoa học thường thức có tốc độ nói chậm và lại có phụ đề nữa. Nhờ đó mà nghe được nhiều hơn, học được nhiều từ mới, ngữ pháp và biểu hiện tiếng Hàn hơn và khả năng tiếng Hàn cũng dần được cải thiện. Bởi vậy, dù là tắm ngôn ngữ thì cũng nên chọn những tài liệu nghe phù hợp với trình độ tiếng Hàn của bạn. Trình độ sơ cấp thì chọn tài liệu sơ cấp, trình độ trung cấp và cao cấp thì chọn nghe tài liệu khó hơn.

# Típ 2: Nghe những gì mình thích

Nghe những gì mình thích giúp mình thấy hứng thú hơn khi nghe nội dung đó cả ngày hay từ ngày này qua ngày khác, nội dung cũng dễ vào đầu hơn. Nghe thụ động để tắm ngôn ngữ, cả ngày bạn cứ bật tiếng Hàn lên trong lúc nấu cơm, đọc sách, tắm, dọn nhà rồi thì nghe được chữ nào thì nghe. Dù vậy cũng sẽ có những lúc bạn thấy chán nghe, mở file nghe tiếng Hàn hay video tiếng Hàn lên là thấy dị ứng. Thế nên, hãy chọn những chủ đề, lĩnh vực, video bạn thích để nghe.

Mình thích phim, tin tức, du lịch, ẩm thực ăn uống nên ngày nào cũng luân phiên nghe mấy video về chủ đề này. Buổi sáng lúc làm vệ sinh cá nhân hay tối lúc tắm thì bật tin tức tiếng Hàn, lúc học hay đọc sách thì bật video tiếng Hàn về du lịch, ẩm thực. Trước khi đi ngủ thì mở phim Hàn lên nghe. Bạn thích chủ đề nào thì nghe cái đó, nhạc, phim, khoa học, lịch sử, ẩm thực hay nghe đề Topik cũng được.

# Típ 3: Kết hợp nghe thụ động và nghe bị động

Đừng có tin những câu kiểu như: Khi học ngoại ngữ, hãy nghe theo kiểu thụ động, tắm ngôn ngữ thật nhiều rồi đến một ngày tự dưng bạn nghe được từ đó, hiểu được câu đó. Toàn là chém gió thôi. Mình thử rồi và nghe thụ động tiếng Hàn cả năm mà có bắt được chữ nào đâu. Từ mới, ngữ pháp mới thì vẫn là mới thôi, vì có chủ động lắng nghe và tìm hiểu đâu.

Cách làm của mình là phải kết hợp nghe thụ động và nghe chủ động. Nghĩa là, cả ngày bật video tiếng Hàn lên rồi thì muốn làm gì thì làm mà không cần để ý nội dung nói về cái gì. Đồng thời, mỗi ngày mình đều dành một khoảng thời gian trong ngày để luyện nghe chủ động. Chọn một đoạn phim, đoạn tin tức thấy hứng thú rồi tập trung nghe; xem có từ vựng, ngữ pháp nào mới rồi luyện dịch, tập nói theo. Ngoài ra, mình cũng hay đọc tin tức tiếng Hàn, bài viết về tiếng Hàn để học thêm từ vựng, cách diễn đạt mới. Nhờ đó mà khi nghe tin tức tiếng Hàn, phim tiếng Hàn mình cũng dần bắt được từ, bắt được ý và hiểu được nội dung của video đó.

# Típ 4: Kết hợp với việc học nâng cao trình độ

Bạn nghe không hiểu người ta nói gì là vì thiếu từ vựng, ngữ pháp, chưa nắm được các biểu hiện trong tiếng Hàn và cả phát âm sai nữa. Không còn cách nào khác là phải học thêm để nâng cao trình độ tiếng Hàn, chỉnh sửa lại phát âm cho chuẩn thì mới cải thiện được khả  năng nghe tiếng Hàn.

Ví dụ, nếu bạn chỉ đang học sơ cấp thì sẽ không hiểu được những ngữ pháp như 다시피하다, 아/어서  그런지, 다면서, 보니까, 는 척하다, 는 둥 마는 둥 하다… Mà phải học lên trung cấp, cao cấp thì mới biết được ngữ pháp này. Thêm vào đó, khi nghe tiếng Hàn, hãy để ý người Hàn phát âm thế nào để sửa lại phát âm của mình. Khi xem phim, tin tức, chương trình thực tế, bạn sẽ học được cách người Hàn phát âm, lên giọng xuống giọng thế nào cho đúng, cho hay. Và nó sẽ giúp ích rất nhiều cho khả năng nghe nói tiếng Hàn của bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *