Đề đọc Topik không khó nếu như bạn đã làm đề nhuần nhuyễn và rút ra được cách làm cho từng dạng bài. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn cách làm câu 19 ~ 22 trong đề đọc nhé.
Câu 19 đề đọc Topik II
Đây là dạng câu hỏi điền liên từ nối để tạo sự liên kết ý giữa các câu trong đoạn văn. Các liên từ nối trong tiếng Hàn như 드디어, 오히려, 어쩌면, 반드시, 게다가, 그러면…
Để làm được câu này, đầu tiên là bạn phải học các liên từ nối, hiểu được ý nghĩa của chúng. Sau đó, bạn đọc đoạn văn để hiểu nội dung của nó là gì rồi chọn từ nối phù hợp để điền vào chỗ trống.
Trong quá trình làm đề đọc Topik, mình tổng hợp liên từ nối thành một file rồi thỉnh thoảng xem lại cho nhớ nghĩa. Mình cũng tìm trên Youtube những video hướng dẫn làm đề đọc Topik II có tổng hợp về các liên từ nối, sau đó chép lại để học.
Câu 20 đề đọc Topik II
Chọn đáp án có nội dung giống với nội dung trong đoạn văn. Câu này làm không hề khó chút nào.
Đầu tiên, đương nhiên là phải đọc đoạn văn -> đọc từng đáp án và đối chiếu lên đoạn văn để loại ra đáp án sai. Thường thì sẽ loại được 2 đáp án sai. Đôi khi bạn sẽ phân vẫn giữa 2 đáp án còn lại vì thấy đáp án nào cũng có vẻ đúng. Lúc này, nên đọc kỹ lại đoạn văn để đối chiếu rồi chọn được đáp án đúng nhất.
Câu 21 đề đọc Topik II
Điền thành ngữ, quán dụng ngữ phù hợp vào chỗ trống trong đoạn văn. Nội dung câu thành ngữ, quán ngữ sẽ liên quan chặt chẽ đến nội dung đoạn văn nên các bạn cần hiểu được nội dung đoạn văn cũng như câu thành ngữ nói về cái gì thì mới chọn được.
Các bạn học thành ngữ, quán dụng ngữ trong bài 7 của quyển 5 Tiếng Hàn tổng hợp. Rồi có thể tìm thêm trên mạng Intertnet nữa, có rất nhiều. Tuy nhiên, đừng cố gắng tổng hợp thật nhiều câu thành ngữ, quán dụng ngữ về để học vì câu này cũng chỉ có 2 điểm, nếu đầu tư quá nhiều thời gian cho nó thì sẽ không còn thời gian để học cho các câu khác.
Mình hay học thành ngữ, quán dụng ngữ tiếng Hàn để phục vụ cho đi thi Topik như sau: Tổng hợp thành một file, ngày nào cũng lôi ra đọc, nghiền ngẫm. Đầu tiên là hiểu nghĩa đen sau đó xem tới nghĩa bóng để dần dần học cách suy ra nghĩa bóng của thành ngữ, quán dụng ngữ đó.
Ví dụ:
티끌 모아 태산. Nghĩa đen là Cát bụi gom lại thành núi Thái Sơn và nghĩa bóng là Tích tiểu thành đại.
Hay câu 고생 끝에 낙이 온다. Nghĩa đen là Niềm vui đến ở lúc kết thúc khổ sở và nghĩa bóng là Khổ tận cam lai.
Khi đi thi, nhiều khi bạn sẽ gặp những thành ngữ, quán dụng ngữ hoàn toàn mới. Lúc này phải làm thế nào?
– Hiểu được nội dung đoạn văn thì mới biết được cần điền nội dung nào cho phù hợp.
– Nhìn vào nghĩa đen của câu thành ngữ rồi suy ra nghĩa bóng đại khái của nó để chọn được đáp án phù hợp.
Câu 22 đề đọc Topik
– Là dạng câu hỏi chọn suy nghĩ trọng tâm cho toàn bộ đoạn văn.
– Lưu ý là chọn suy nghĩ trọng tâm, chính yếu nhất của đoạn văn chứ không phải chọn câu có nội dung giống với đoạn văn.
– Thường thì câu cuối của đoạn văn sẽ chứa đựng suy nghĩ trọng tâm của đoạn văn.
– Nếu đọc câu cuối mà bạn vẫn chưa chắc chắn đáp án thì đọc lại toàn bộ đoạn văn để chọn được đáp án đúng nhất.
Đây là những kinh nghiệm của mình khi ôn thi và đi thi Topik. Hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn ôn thi thật chăm chỉ và thi đạt kết quả tốt nhất!