Lần đầu tiên khi từ đề Topik I chuyển sang đề Topik II, mình thấy “sốc” nhất là khi làm đề nghe. Cá đuối toàn tập luôn. Không nghe thấy gì, không hiểu chữ gì, kiểu như vừa bị mù chữ lại vừa bị lãng tai. Làm thế nào để giải quyết đề nghe Topik tốc độ nói thì vèo vèo, từ vựng, ngữ pháp, chủ đề thì nhiều vô kể?
Lần đầu tiên đi thi Topik II, vừa nhắm mắt vừa chọn đại đáp án (vì có nghe thấy chữ gì đâu), mình được 30 điểm. Sau quá trình cày cuốc ôn luyện, điểm nghe của mình đã tăng lên hơn 80 điểm. Đây quả là kết quả tuyệt vời nhất đối với mình. Mình sẽ chia sẻ với các bạn cách mình đã cải thiện khả năng nghe thế nào nhé.
1/ Vì sao mình bị “sốc” khi nghe đề Topik II?
– Khi dự định ôn thi Topik, mình làm đúng 2 đề Topik I và thấy đề nghe rất dễ, mình đạt được 98 – 100 điểm. Chỉ nghĩ đề nghe topik II chỉ khó hơn một chút thôi chứ không hề nghĩ là khó nhằn như vậy.
– Tốc độ nói thì nhanh như gió; 20 câu đầu chỉ được nghe một lần, những câu sau được nghe 2 lần thì cũng vô ích với mình vì toàn những từ vựng, ngữ pháp trên trời, chủ đề thì quá phức tạp. Có mấy câu còn có giọng ông già khó nghe khủng khiếp, giọng ồm ồm lại là giọng người già nói nhấn nhá nữa.
– Nhiều từ vựng, ngữ pháp mới, chủ đề đa dạng và khó hơn nhiều so với đề nghe Topik I. Không có mấy chủ đề như bạn đi đâu đấy, đây là cái gì, bạn thích món ăn nào đâu. Toàn là những chủ đề phức tạp như vấn đề nông nghiệp, lương thực, kinh tế, văn hóa, sinh học…
– Trình độ tiếng Hàn của mình ở mức sơ cấp, chỉ “giắt lưng” vài chục ngữ pháp sơ cấp, vốn từ vựng ít ỏi nên khi chuyển sang nghe đề Topik II dành cho trình độ trung cấp, cao cấp thì bị “sốc” là đương nhiên.
– Trước đó, mình luyện nghe cũng rất ít vì kỹ năng nghe khó, không nghe được nên càng thấy sợ và không thích học nghe. Toàn nghe mấy bài hội thoại trong sách Tiếng Hàn tổng hợp, mấy phim hoạt hình dành cho trẻ mẫu giáo nói chậm như rùa nên không thể theo kịp tốc độ nghe nhanh như đề Topik II.
2/ Làm thế nào để cải thiện khả năng nghe, không bị “sốc” khi làm đề nghe Topik II?
– Trình độ tiếng Hàn của bạn nếu chỉ ở mức sơ cấp thì phải nâng cấp lên, học lên trung cấp, cao cấp để học thêm ngữ pháp, từ vựng.
– Làm quen với đề Topik trung cấp trước, chọn đề Topik trung cấp từ kỳ 34 trở lại. Đề có 30 câu, dễ hơn so với đề Topik II từ kỳ 35 trở đi nên khi làm các bạn sẽ đỡ bị sốc và không bị nản vì quá khó. Làm nhuần nhuyễn cho quen với dạng đề này trước, quen với tốc độ nói và những chủ đề ở đây thì khi chuyển sang đề Topik II từ kỳ 35 trở đi sẽ dễ dàng hơn nhiều.
– Sau khi đã làm đề nghe Topik trung cấp từ kỳ 34 trở lại, các bạn hãy chuyển sang làm đề nghe Topik II từ kỳ 35 trở đi. Gặp từ vựng, ngữ pháp nào chưa biết thì tra nghĩa, tìm hiểu.
– Lần đầu tiên làm bài nghe, nên nghe như khi đi thi: Đề thi quy định là nghe trong 50 phút (đề nghe Topik trung cấp), 70 phút (đề nghe Topik II) thì bạn cũng làm trong đúng thời gian đó, không sử dụng từ điển. Đoạn nào không nghe được thì bỏ qua. Sau đó đối chiếu với đáp án để xem được bao nhiêu điểm và đây mới là khả năng thực sự của bạn. Từ những lần sau, có thể tra từ điển, đoạn nào không nghe được thì tua lại hoặc xem transcript.
– Mình dành mỗi ngày 1 – 2 tiếng để nghe đề Topik. Cứ nghe theo kiểu bị động, bật file nghe Topik lên và trong lúc đó làm bất cứ việc gì cũng được. Mục đích là để tai quen với tốc độ nói cũng như giọng của những người nói trong đề Topik. Nghe nhiều đề Topik nên mình không còn thấy sợ làm đề nghe Topik nữa.
– Nghe thêm các nguồn bên ngoài: Xem phim, nghe tin tức, phim tài liệu về du lịch, ẩm thực, video dạy tiếng Hàn… để tăng thêm khả năng, từ vựng, ngữ pháp và thêm kiến thức về văn hóa, kinh tế, xã hội… để phục vụ cho bài nghe Topik.
Ban đầu, mình rất ghét và sợ kỹ năng nghe nhưng dần dần nghe nhiều thì mình lại thấy thích kỹ năng nghe nhất và dành nhiều thời gian cho nó. Đây là những kinh nghiệm của mình khi luyện kỹ năng cho ôn thi Topik cũng như khi học tiếng Hàn. Các bạn hãy thử áp dụng để cải thiện khả năng nghe tiếng Hàn của mình nhé. Chúc các bạn thành công!