Trong quá trình ôn thi và thi Topik, mình đã rút ra một vài kinh nghiệm làm đề đọc Topik. Hôm nay mình sẽ chia sẻ để các bạn tham khảo. Cách làm câu 1 ~ 27 thì mình đã chia sẻ nên các bạn tìm đọc nhé.
Câu 28 ~ 31: Điền nội dung thích hợp nhất vào chỗ trống trong đoạn văn
Làm tương tự như câu 16 ~ 18. Bạn cần nắm được nội dung của đoạn văn và nội dung cần điền thường liên quan đến nội dung ngay trước và sau chỗ trống đó.
Câu 32 ~ 34: Chọn nội dung giống với nội dung của đoạn văn
Làm tương tự như câu 9 ~ 12. Cách làm của mình là cứ đọc hết đoạn văn rồi mới đọc đáp án (không đọc đáp án trước vì đằng nào cũng phải đọc đáp án lần nữa để đối chiếu với nội dung của đoạn văn). Khi đọc đáp án nào mình sẽ lia mắt thật nhanh lên đoạn văn và gạch chân ý đó xuất hiện trong văn, từ đó loại dần các đáp án sai để chọn được đáp án cuối cùng đúng nhất.
Câu 35 ~ 38: Chọn câu chủ đề phù hợp nhất cho đoạn văn
Chủ đề thường nằm ở nội dung của câu đầu hoặc câu cuối. Cũng có khi, phải soi xét nội dung của cả đoạn văn để tìm ra chủ đề.
Câu 39 ~ 41: Chọn vị trí phù hợp nhất của câu văn cần điền vào đoạn văn
Vị trí cần điền là ㄱ, ㄴ, 다, ㄹ – tương ứng với A, B, C, D trong tiếng Việt. Câu văn cần điền rất hiếm khi điền vào vị tríㄱ, ít khi điền vào vị tríㄹ; xác suất điền vào vị tríㄴ, 다 là nhiều nhất.
Nên đọc câu văn cần điền trước -> nắm được nội dung nói về cái gì, sau đó đối chiếu vào các vị tríㄱ, ㄴ, 다, ㄹ xem nó liên quan nhiều nhất đến nội dung ở vị trí nào.
Câu 42 ~ 43:
Câu 42: Chọn từ ngữ, biểu hiện phù hợp với tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trong phần gạch chân ở đoạn văn.
Mình thường đọc nội dung của phần gạch chân cũng như nội dung trước vào sau của phần gạch chân đó để hiểu được tâm trạng, cảm xúc của nhân vật.
Khi ôn thi, mình tập hợp một loạt các từ, biểu hiện chỉ cảm xúc, tâm trạng xuất hiện trong câu này, cả trong đề Topik cao cấp các năm trước rồi học để khi đi thi không bỡ ngỡ khi gặp mấy từ này.
Câu 43: Chọn nội dung giống với nội dung đoạn văn
– Cách làm tương tự câu 32 ~ 34.
Câu 44 ~ 45: Cách làm tương tự các câu cùng dạng bài
Câu 44: Chọn câu phù hợp nhất để làm chủ đề của đoạn văn.
Câu 45: Điền nội dung phù hợp nhất vào chỗ trống trong đoạn văn.
Câu 46 ~ 47: Cách làm tương tự các câu cùng dạng bài
Câu 46: Chọn vị trí phù hợp nhất trong đoạn văn cho câu cần điền (làm tương tự như câu 39 ~ 41)
Câu 47: Chọn nội dung giống với nội dung đoạn văn
Câu 48 ~ 50:
Câu 48: Chọn mục đích viết đoạn văn của tác giả. Mình đọc lướt hết cả đoạn văn để nắm ý -> rút ra được mục đích của người viết.
Câu 49: Điền nội dung phù hợp vào chỗ trống trong đoạn văn. Làm đến câu này thường còn rất ít thời gian nên mình chỉ nhìn lướt được nội dung trước và sau chỗ trống rồi căn cứ vào đó để chọn đáp án.
Câu 50: Chọn thái độ của người viết xuất hiện ở phần gạch chân trong đoạn văn. Mình thường nhìn vào phần gạch chân và phần trước của câu gạch chân đó để chọn đáp án.
Các dạng bài trong đề đọc Topik II lặp đi lặp lại nên cách làm tương tự nhau. Tuy nhiên, càng về sau thì các câu khó hơn, đoạn văn dài hơn, chủ đề khó hơn và mang tính vĩ mô hơn như môi trường, dân số, chất lượng cuộc sống, lương thực… với rất nhiều từ vựng. Điều này đòi hỏi các bạn phải biết nhiều từ vựng, khả năng đoán từ vựng và khả năng đọc hiểu thật nhanh thì mới có thể đạt điểm cao.
Đây là những kinh nghiệm của mình khi ôn thi và đi thi Topik. Các bạn thử tham khảo xem nhé. Chúc các bạn ôn thi thật tốt và đạt điểm cao nhé.