Đang nghe thì bị mất tập trung, nghe được nhưng lại quên hết nội dung vừa nghe, không bắt được ý chính khi nghe… Đây là những vấn đề nhiều bạn thường gặp phải nhất khi làm bài nghe Topik. Vậy phải làm sao để giải quyết những vấn đề này?
1/ Không nghe kịp 20 câu đầu vì chỉ nghe một lần
Khi làm đề nghe Topik II, với 20 câu đầu thì chỉ được nghe đúng 1 lần và chọn đáp án, từ câu 21 trở đi mới được nghe 2 lần. Vì chỉ được nghe 1 lần các bạn sẽ thấy băng chạy vèo vèo, câu này chưa biết chọn đáp án thế nào thì băng đã chạy sang câu tiếp theo.
Đầu thì đang mải phân tích, loại trừ đáp án sai mà băng đã chạy sang câu khác rồi nên chọn đáp án vội vội vàng vàng, chả biết có đúng không. Từ câu 1 – 12, nội dung hội thoại và đáp án ngắn nên dễ nghe hơn. Từ câu 13 – 20 thì nội dung hội thoại dài hơn mà chỉ được nghe mỗi 1 lần nên chẳng kịp chọn đáp án.
=> Cách giải quyết:
Ban đầu, mình cũng hay gặp phải tình trạng này và thấy không theo nổi tốc độ băng nói và chỉ chọn được đáp án cho vài câu đầu, còn những câu sau thì chọn theo cảm tính. Sau đó, khi làm nhiều đề và học hỏi kinh nghiệm của những người khác thì biết được cách giải quyết hiệu quả.
Đó là, trước khi bắt đầu bài nghe Topik sẽ có một đoạn nhạc dạo khoảng 1 – 2 phút, bạn hãy tận dụng khoảng thời gian này để xem trước khoảng 10 câu đầu tiên. Mình thường tận dụng thời gian này để xem 12 câu đầu tiên (câu bức tranh và biểu đồ thì để xem lúc làm bài cũng được): Đọc yêu cầu đề bài và gạch chân các keyword – từ khóa quan trọng.
Vì đã xem trước được 12 câu đầu tiên nên khi làm 1 câu nào đó, băng chạy được khoảng 2/3 là đã chọn được đáp án và mình chạy tiếp sang câu 13 – 20 để đọc đề, đáp án cũng như gạch chân keyword. Khi ôn đề nghe Topik hay khi đi thi, mình đều làm cách này và không còn thấy bị gấp gáp khi nghe 20 câu đầu tiên nữa.
2/ Nghe được nhưng lại quên hết nội dung vừa nghe
Đây cũng là vấn đề nhiều bạn thường gặp phải khi làm bài nghe Topik cũng như khi luyện nghe tiếng Hàn. Rõ ràng là nghe được, hiểu người ta nói cái gì nhưng đến khi phải chọn đáp án thì không biết chọn đáp án nào vì không nhớ được nội dung đã nghe. Thật bực bội hết sức vì không khác gì não cá vàng chỉ nhớ được chưa đầy 3 giây.
=> Cách giải quyết:
Khi nghe, các bạn nên ghi lại những nội dung vừa nghe, gạch những ý quan trọng ra. Nếu không thể ghi thành các ý thì ghi các từ khóa cơ bản cũng được, miễn sao nhìn vào từ khóa đó mà bạn có thể nhớ lại được các nội dung vừa nghe. Thêm vào đó, các bạn cũng nên tập trung cao độ khi nghe, đừng để đầu óc dạo chơi chỗ này chỗ khác lại không nhớ được những gì vừa nghe đâu.
3/ Đang nghe thì bị mất tập trung
Bài nghe Topik II luôn bắt đầu vào khoảng thời gian gian cực kỳ oái ăm – 12 rưỡi trưa. Lúc này vừa ăn no xong, căng cơ bụng chùng cơ mắt, chỉ muốn ngủ một giấc mà lại phải tập trung vào bài nghe đau đầu thì sao tập trung nổi. Hay đang tập trung vào bài nghe một cách ngon lành thì tự nhiên đầu óc lại bật ra một suy nghĩ khác, thế là không theo được nhịp của bài nghe nữa. Điều này rất nguy hiểm vì nếu cứ bị như vậy thì bạn sẽ không bắt được tốc độ, nội dung của đề thi và không chọn được đáp án đúng.
=> Cách giải quyết:
Nên giải quyết vấn đề mất tập trung ngay từ khi ôn đề Topik hay khi làm bất cứ việc gì, chứ để đến khi đi thi thì không giải quyết được đâu. Khi ôn đề đọc, viết và nhất là đề nghe, bạn hãy loại bỏ những yếu tố gây nhiễu như mạng Internet, Facebook, Zalo, chát chít, phim nhạc để tập trung cao độ nhất vào việc làm bài.
Lúc luyện đề nghe, mình ngồi ở không gian yên tĩnh nhất để làm bài, ngắt kết nối Internet, chỉ tập trung vào bài nghe. Không làm đề nghe ở những không gian nhiều tạp âm như quán cafe hay khi phòng có nhiều tiếng ồn.
Nếu đang làm bài mà đầu có suy nghĩ khác thì ngay lập tức xua suy nghĩ đó đi ngay, hoặc tưởng tượng gói suy nghĩ đó lại vào một chiếc bọc thật kín rồi đếm ngược trong đầu 5, 4, 3, 2, 1 rồi phóng nó đi thật xa. Mỗi lần suy nghĩ vẩn vơ ập đến, mình lại làm như vậy thì dần dần sẽ luyện được khả năng tập trung khi làm đề nghe cũng như làm bất cứ việc gì khác.
4/ Không bắt được nội dung chính khi nghe
Lúc làm bài thi nghe Topik, các bạn không nhất thiết phải nghe được tất cả nội dung bài hội thoại. Mà quả thực có cố gắng thì cũng không thể nghe hết được. Để chọn được đáp án thì chỉ cần bắt được các ý chính, các ý liên quan đến nội dung đáp án để từ đó loại bỏ đáp án sai và chọn ra đáp án đúng là được. Tuy nhiên, có vấn đề là nội dung hội thoại dài quá hoặc đầu óc không tập trung nổi nên không bắt được nội dung chính khi nghe.
=> Cách giải quyết:
Khi đọc các đáp án, mình luôn gạch chân các từ khóa quan trọng trong đáp án và khi nghe thì chỉ cần chú ý xem nội dung trong đoạn hội thoại có xuất hiện các từ khóa đó không hoặc các từ liên quan với từ khóa đó không.
Như thế, khi nghe thì mình chỉ cần tập trung vào các nội dung cần thiết mà không bị phân tâm đến những nội dung khác. Nhờ đó, mà không bị tình trạng mất tập trung khi nghe hay không nhớ được nội dung sau khi nghe xong. Gạch chân các từ khóa còn giúp bạn loại bỏ đáp án sai nhanh hơn.
5/ Vừa nghe vừa tô đáp án không kịp
Khi làm đề nghe Topik, mình cũng từng gặp phải vấn đề đó là đầu vừa nghe vừa phải phân tích đáp án, tay thì phải tô đáp án trong phiếu trả lời nên thấy rất vội vàng. Đầu thì không nghe kịp, lại còn phải tô cho kín đáp án nữa. Hậu quả là vừa nghe vừa chạy hết hơi, không chọn kịp đáp án, cũng không tô được đáp án cho tử tế nữa.
=> Cách giải quyết:
Mình chọn luôn đáp án trong đề thi, sau đó mới tô đáp án vào phiếu trả lời câu hỏi. Nếu đáp án nào còn phân vân thì tạm đánh dấu cả 2 đáp án trong đề thi, khi tô đáp án trong phiếu trả lời thì sẽ cố gắng nhớ lại nội dung và chọn đáp án cuối cùng.
Lần thi Topik với mục tiêu là Topik 4, mình chỉ nghe hết 45 câu; còn sau đó dành thời gian để tô đáp án, những câu còn lại thì cứ chọn 1 đáp án bất kỳ miễn là không bỏ trống câu đó là được. Lần đi thi với mục tiêu là Topik 5, 6 thì mình nghe hết câu 58, sau đó dành thời gian để tô đáp án và cũng chọn 1 đáp án bất kỳ cho câu 59, 60. Vì thực ra những câu này có cố gắng mình cũng chả nghe được.
Đây là một trong những kinh nghiệm khi làm bài thi nghe Topik. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn nhé. Chúc các bạn học tốt, thi tốt!