Đây cũng là câu hỏi của mình khi mới bập bẹ học tiếng Hàn. Thấy cái gì cũng khó, kiểu như sắp bị tẩu hỏa nhập ma đến nơi vì tiếng Hàn. Mình sẽ chia sẻ về những cái khó nhất khi học tiếng Hàn để bạn chuẩn bị tinh thần nhé.
#1: Bảng chữ cái tiếng Hàn
Bạn chỉ mất 5 – 10 phút để học thuộc bảng chữ cái tiếng Anh vì tiếng Anh cũng dùng chữ cái La tinh như tiếng Việt. Nhưng học thuộc bảng chữ cái tiếng Hàn thì không đơn giản như vậy. Nếu bạn học nhanh thì mất vài tiếng, lâu thì có khi phải mất vài ngày mới thuộc hết.
Lúc mới học bảng chữ cái, mình đã kêu trời vì tiếng Hàn toàn chữ cái có hình giống gậy gộc, quả trứng làm mình đau cả đầu. Rồi còn nguyên âm đơn, nguyên âm kép, phụ âm đơn, phụ âm đôi, âm căng, âm bật hơi. Cứ học được chữ này, lại quên mất cách viết, cách đọc của chữ kia. Chẳng khác gì lạc vào ma trận.
#2: Patchim tiếng Hàn
Bảng chữ cái còn chưa thuộc hết thì đã phải học đến patchim. Patchim tiếng Hàn hay còn gọi phụ âm cuối tiếng Hàn là phần âm đứng dưới của một từ tiếng hàn. Ví dụ: 안녕 thì patchim của từ 안 là ㄴ, , patchim của từ 녕 là ㅇ.
Patchim lại gồm 14 patchim đơn, 14 patchim đôi. Gào ra rả như ve kêu mùa hè mà mãi không thuộc. Vua Sejong đã nghĩ ra bảng chữ cái tiếng Hàn, sao lại nghĩ ra thêm patchim làm gì cho con dân khổ chứ. Mà tận 28 patchim thì sao mà nhớ nổi.
#3: Biến âm, nối âm trong tiếng Hàn
Hết nạn nọ đến nạn kia, còn chưa thuộc hết bảng chữ cái, patchim thì đã phải học đến biến âm. Lúc học bảng chữ cái tiếng Hàn, patchim dù khó nhưng mình vẫn tải được. Đến biến âm thì chỉ muốn bỏ cuộc ngay lập tức.
Ví dụ như:
한국말 (tiếng Hàn quốc) -> đọc là 한궁말
작년 (năm trước) -> đọc là 장년
입니다 (là) -> đọc là 임니다
좋아요 (thích) -> đọc là 조아요
Ủa, rõ ràng hôm trước học patchim thì đọc khác mà.
Patchim ㄱ đọc là ㄱ [k]
Patchim ㅂ đọc là ㅂ [p]
Patchim ㅎ đọc là ㅎ [h]
Quy tắc biến âm, nối âm thì có cả hàng chục quy tắc. Nào là Nhũ âm hóa, Mũi âm hóa, Trọng âm hóa, Bật hơi hóa, Vòm âm hóa… Học mấy ngày, mấy tuần vẫn không nhớ, thậm chí mấy tháng vẫn quên trước quên sau. Chả có nhẽ mình học đến biến âm tiếng Hàn rồi bỏ luôn.
#4: Kính ngữ tiếng Hàn
Tiếng Việt có “dạ, thưa, ạ, vâng” thì tiếng Hàn có kính ngữ. Trong tiếng Hàn, kính ngữ không dùng cho ngôi thứ nhất, mà sử dụng để thế hiện sự kính trọng với người trên, hoặc người có chức vụ cao hơn mình, người gặp lần đầu, bố mẹ, ông , bà…
Kính ngữ có nhiều loại: Kính ngữ tiểu từ, danh từ, động từ, đuôi câu. Để nhớ được hết kính ngữ tiếng Hàn không đơn giản chút nào.
Ví dụ:
이/가 -> 께서
은/는 -> 께서는
주다 -> 드리다
먹다 -> 드시다
있다 -> 계시다
자다 -> 주무시다
이름 -> 성함
사람 -> 분
#5: Trật tự câu tiếng Hàn
Nếu trật tự câu trong tiếng Việt và tiếng Anh đều là S + V + O thì tiếng Hàn ngược lại. Trật tự câu trong tiếng Hàn là S + O + V.
Ví dụ: Trong tiếng Việt: Tôi ăn cơm > < Tiếng Hàn: 저는 밥을 먹다 – Tôi cơm ăn
Khi nói, viết tiếng Việt hay tiếng Anh thì động từ ở đầu câu ngay sau chủ ngữ nên rất dễ xác định. Còn trong tiếng Hàn, động từ nằm ở cuối câu nên tư duy bị ngược với tiếng Việt, khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn khi viết, nói câu tiếng Hàn.
Lúc mới học tiếng Hàn, lúc viết mình toàn phải viết chủ ngữ trước, để cách ra một đoạn, viết động từ rồi cuối cùng viết tân ngữ vào đoạn để trống. Đọc đoạn văn tiếng Hàn thì như chơi trốn tìm. Câu ngắn thì đơn giản, nhìn sẽ thấy ngay động từ. Câu dài thì nhìn mãi, phân tích một hồi mà chưa thấy động từ, rồi không biết xác định đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ.
Nói thì còn khó hơn, trong đầu cứ phải phân tích nói cái gì trước, nói cái gì sau, đâu là động từ để còn đặt cuối câu. Còn nghe người Hàn nói thì phải đợi người ta nói hết câu mới biết đâu là động từ để hiểu ý, để dịch. Chưa kể trong tiếng Hàn còn hay bỏ chủ ngữ khi nói, viết nên càng dễ nhầm lẫn.
#6: Định ngữ trong tiếng Hàn
Đây là một trong những phần khoai nhất khi học tiếng Hàn. Không nắm vững được định ngữ tiếng Hàn thì coi như chia tay nhau từ đây.
Định ngữ tiếng Hàn thì có định ngữ tính từ và định ngữ động từ. Định ngữ động từ lại gồm định ngữ động từ thời hiện tại, định ngữ động từ thời quá khứ, định ngữ động từ thời tương lai. Nghe đã thấy lùng bùng đầu óc rồi phải không.
Ví dụ: 예쁜 옷: cái áo đẹp – định ngữ tính từ
공부하는 책: sách đang học – định ngữ động từ thời hiện tại
공부한 책: sách đã học – định ngữ động từ thời quá khứ
공부할 책: sách sẽ học – định ngữ động từ thời tương lai
Trong câu có một, hai định ngữ và là định ngữ ngắn còn dễ xác định. Câu mà nhiều định ngữ, định ngữ dài kiểu định ngữ của định ngữ thì phân tích xong mất cả ngày. Chưa kể còn có các ngữ pháp trong câu, khiến việc xác định càng thêm phức tạp.
Tạm kết: Mình thấy quá trình học tiếng Hàn giống như đường gấp khúc. Khó rồi lại dễ, dễ rồi lại khó. Ví dụ như, ban đầu mới học bảng chữ cái tiếng Hàn thì thấy khó vì học mãi không thuộc, nhưng đến khi học xong thì lại thấy dễ. Học đến patchim, biến âm, định ngữ thì ban đầu thấy khó, học qua rồi lại thấy dễ. Khi chưa thi được Topik 4 thì thấy khó hơn lên trời, thi được rồi thì thấy không hề khó. Khi chưa thi được Topik 6 thì thấy những bạn có Topik 6 không phải là người. Thi được Topik 6 rồi thì thấy chinh phục Topik 6 là hoàn toàn có thể.
Tiếng Hàn cũng giống như bất cứ ngôn ngữ nào, đều có cái khó, cái dễ. Nếu bạn thích tiếng Hàn và tìm được phương pháp học thì thấy rất thú vị, dù khó nhưng vẫn tìm được cách chinh phục nó. Mình đã học được tiếng Hàn và bây giờ vẫn đang gắn bó với nó, nên chắc chắn bạn cũng làm được. Cố lên nhé!!