Nghe câu này có thể nhiều người không tin nhưng sự thật là CÓ. Không phải chỉ có vài người mà có một số không nhỏ KHỔ VÌ CÓ TOPIK 5, 6.
Nghe xong thì 100 bạn phải có đến 99 bạn nhảy vào mắng vốn: Nào là “Ra vẻ ta đây”, “Thi được Topik 5, 6 rồi thì nói gì chẳng được”, “Thùng rỗng kêu to”, “Tự cao tự đại”, “Khoe khoang”. Vân vân và mây mây những câu chỉ trích khác.
Nhưng sự thực thì có không ít bạn KHỔ VÌ CÓ TOPIK 5, 6 và trong đó có cả mình. Mình cũng từng tự ti, đau khổ, mất mặt chỉ vì có Topik cao mà nghe nói kém. Chỉ tự tin được mỗi khoản dịch viết. Nỗi khổ không biết bày tỏ cùng ai vì nói ra sợ bị chửi, sợ bị mỉa mai, sợ không ai tin, sợ người khác thấy mình kém cỏi. Vậy vì sao lại khổ vì có Topik cao? Và làm sao để thoát khỏi nỗi khổ này?
Vì sao lại KHỔ VÌ CÓ TOPIK 5, 6?
Đến ngày thông báo có kết quả Topik, bay ngay vào trang Topik và không thể tin nổi vào mắt mình khi được TOPIK 6. Hạnh phúc khôn tả, người lâng lâng bay bổng như trên mây. Nhưng không ngờ đằng sau niềm vui tột đỉnh này là nỗi khổ tột cùng mà sau này mới thấm. Vì sao lại khổ vì có Topik 5, 6 chứ? Là vì…
Topik 5, 6 mà không nghe, nói được
Sau đây là những tâm sự đầy tâm trạng của một cơ số các bạn có Topik 5,6 mà không nghe nói được. Đây là những đoạn nhỏ nhỏ mình lượm lặt trên facebook. Và mình cực cực đồng cảm với các bạn vì mình cũng từng trải qua quãng thời gian “đau khổ” đó.
“Khi mình mới bắt đầu làm ở công ty Hàn thì chưa có topik. Sau đó mình nỗ lực tự học để thi và sau muôn vàn khó khăn thì đã đạt topik 5. Nhưng lúc này lại có vấn đề nảy sinh đó là giao tiếp của mk vẫn rất kém, nên công ty không phụ cấp 1 đồng nào cả. Thực ra thì khi sếp giao việc cho mình vẫn hiểu (vì họ nói với tốc độ chậm khi nói chuyện với người Việt). Còn đa phần khi họ nói chuyện với nhau mình không nghe lỏm được gì hết. Tới mức mà các chị đồng nghiệp trong phòng vẫn hỏi mình có nghe thấy các sếp buôn chuyện gì không, mình bảo không nghe gì hết thì mọi người bảo “ủa ? sao topik 5 không nghe thấy gì, chị học như mày, chị nghe hết rồi”.
“Em thi được Topik 5, hiện em vẫn đang trong thời gian thử việc mà em không thể nghe được sếp Hàn nói gì! Sếp rất hiền và tâm lý nhưng em thấy áp lực quá.”
“Topik chỉ là topik. Công ty mình tuyển phiên dịch vào nào là chuyên ngành topik 6, nào là du học sinh về. Vào có hiểu gì sếp nói gì đâu.”
Topik 5, 6 mà không dịch được
Không nghe nói được thì đương nhiên là không dịch được rồi. Nhiều khi ngay cả những câu đơn giản còn không nghe hiểu ông sếp Hàn đang nói gì, thì còn nói gì đến công việc. Nghe nói tiếng Hàn kém, từ vựng rồi quy trình công việc chưa nắm vững nên mỗi lần phải dịch chẳng khác gì “đi ra pháp trường”.
Sợ nhất là khi có ai đó gọi đi phiên dịch. Tiếng Hàn không hiểu, công việc không hiểu, bản thân mình không hiểu thì làm sao có thể dịch lại cho người khác. Càng sợ, càng áp lực nên càng không dịch được; rồi không dịch được nên lại càng áp lực.
Và khi phải dịch họp thì nỗi sợ, áp lực tăng lên vài chục lần. Đứng trước bao nhiêu người mà không dịch được nên chỉ muốn có lỗ nứt nào dưới chân để chui xuống cho đỡ mất mặt, xấu hổ. Có cảm giác sếp thì nhìn mình như đứa thiểu năng, nhân viên người Việt thì nhìn mình đầy coi thường kiểu “Topik 5,6 mà không dịch được, vậy cũng đòi ăn lương phiên dịch.” Ngay cả bản thân nhiều khi cũng thấy mình còn không bằng mấy người có Topik 3, 4 hay thậm chí không có Topik nào.
Bạn nào vào được công ty sếp tốt, kiên nhẫn chỉ cho mình thì may mắn. Bạn nào gặp phải sếp nóng tính thì xác định luôn là căng thẳng, khổ sở, mất ngủ mỗi đêm cho đến khi nghỉ việc. Người Hàn vốn nóng tính, làm việc gì cũng phải thật nhanh. Họ tuyển mình vào làm việc luôn chứ không phải là lớp học, rồi sẵn sàng cầm tay chỉ việc cho mình. Nên không dịch được thì ăn chửi là đương nhiên.
Ở công ty thì áp lực căng thẳng cả ngày, tối về mộng mị ngủ không yên, sáng thì không muốn đi làm. Bạn nào không vững tâm thì làm được vài ngày, vài tuần rồi nghỉ. Bạn nào tinh thần vững hơn, mặt dày hơn thì gắng gượng được một, hai tháng thử việc rồi cũng nghỉ. Bạn nào biến nỗi sợ, áp lực thành quyết tâm “phải nghe nói được tiếng Hàn, phải dịch được” thì sẽ vượt qua được giai đoạn này và gắn bó với công việc.
Topik chỉ là tấm bằng
Học thi chứng chỉ Topik tiếng Hàn thì không cần học nói, có thi cả kỹ năng nghe nhưng cũng chỉ là nghe trong sách, tài liệu ôn thi. Ôn thi Topik cũng chỉ là ôn trong sách vở. Rồi khi bạn lấy được chứng chỉ Topik 5, 6 thì người ta cũng ghi chú (bằng tiếng Hàn) rằng người có trình độ Topik 5,6 thì có thể giao tiếp lưu loát này kia, hiểu được những vấn đề chuyên môn này nọ. Nhưng đấy cũng chỉ là lý thuyết mà thôi.
Nhiều bạn tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi mà vào công ty cũng không làm được việc. Thế nên, người có Topik 5, 6 cũng không thể chắc chắn là có thể nghe nói tiếng Hàn tốt, phiên dịch được. Ôn thi Topik chỉ là học gạo để lấy điểm, có được chứng chỉ Topik 5,6 cũng chỉ chứng tỏ là bạn ôn thi giỏi, học trong sách vở giỏi chứ không quyết định là bạn sẽ làm việc giỏi.
Nhiều bạn có Topik 5, 6 mà nghe nói không tốt bằng người có Topik 3, 4 hay thậm chí là không có Topik nào ví dụ như những người đi lao động ở bên Hàn về. Còn có cả những bạn học chuyên ngành tiếng Hàn hẳn hoi, du học ở Hàn về mà nghe nói tiếng Hàn cũng rất kém.
Trước đó cứ nghĩ thi được Topik 5, 6 rồi thì một chân trời mới sẽ mở ra. Nào là đi phiên dịch được, nào tự tin gửi CV ứng tuyển vào vị trí phiên dịch ở các công ty lớn. Nào là tăng phụ cấp, nào là lương cao hơn. Mơ cao thì ngã đau. Ai ngờ lại khổ vì có Topik 5, 6 cơ chứ. Vì Topik cao cũng chỉ là tấm bằng, không giúp mình nghe nói tiếng Hàn tốt, hay phiên dịch giỏi được.
Thế nên bạn nào có Topik 5, 6 rồi mà không nghe nói giỏi hay đi dịch được thì cũng đừng cảm thấy bản thân kém cỏi. Bạn học nhiều nhưng không nói được là do kiến thức thì nhiều nhưng luyện tập ít. Vậy thì hãy luyện tập nhiều, luyện dịch viết, dịch nói xuôi ngược (Hàn <-> Việt). Rồi học thêm về công việc như quy trình công việc, thuật ngữ công việc bằng tiếng Hàn. Khi đã nắm được quy trình công việc, hiểu công việc rồi thì bạn sẽ dịch được. Xem phim, xem show Hàn, tin tức tiếng Hàn, tìm bạn người Hàn nói chuyện, không tìm được bạn Hàn thì tự kỷ nói tiếng Hàn một mình. Hãy làm đủ mọi cách để nâng cao khả năng nghe nói cho xứng với Topik 5, 6 mà bạn có.