Đây hẳn là câu hỏi của rất nhiều khi bạn khi tự ôn thi Topik. Trước đây, khi mới tự ôn thi Topik mình cũng rất băn khoăn điều này. Qua một vài lần ôn thi Topik, mình đã rút ra kinh nghiệm và biết phải làm những gì, biết bắt đầu từ đâu tự ôn thi. Vậy tự ôn thi Topik thì bắt đầu từ đâu?
1. Lên kế hoạch ôn thi
Muốn ôn thi hiệu quả và đạt điểm cao khi thi Topik, các bạn cần phải lên kế hoạch ôn thi thật chi tiết và tuân thủ kế hoạch chặt chẽ.
– Tổng hợp tài liệu cần ôn: Trước khi bắt tay vào ôn thi, mình tìm kiếm và tổng hợp tài liệu cho cả 3 môn nghe, đọc, viết. Tài liệu gồm: Ngữ pháp từ quyển 1 đến quyển 6 của Tiếng Hàn tổng hợp (tập hợp thành 1 file rồi in ra), từ vựng thì học luôn trong Tiếng Hàn tổng hợp, đề Topik các năm, sách Yonsei Topik II Listening để tăng khả năng nghe, đọc và xem tin tức tiếng Hàn.
– Tính toán khối lượng đề phải làm: Mình tính xem có bao nhiêu đề Topik phải làm, rồi chia ra cho số ngày (số ngày ôn thi mình tính từ khi bắt đầu ôn cho đến ngày thi), mỗi ngày làm mấy đề. Theo mình, muốn đạt điểm Topik cao thì phải làm nhiều đề, có như vậy mới học được từ vựng, ngữ phải, tăng kỹ năng làm bài.
– Phân chia, cân đối thời gian ôn thi: Mình phân chia thời gian cân đối cho cả 3 môn nghe, đọc, viết. Thời gian nào trong ngày thì làm đề nghe, đọc, viết; lúc yên tĩnh và đầu óc minh mẫn nhất thì làm đề nghe; tận dụng mọi thời gian để học.
– Kỷ luật, tuân thủ kế hoạch ôn thi: Đặt kế hoạch thì rất dễ nhưng làm theo mới khó. Vì mình đã đạt mục tiêu phải đạt được Topik mấy nên sẽ cố gắng, làm mọi cách để nâng cao điểm từng môn. Vì vừa đi làm đến tối muộn mới về lại vừa ôn thi Topik, mình phải tận dụng mọi khoảng thời gian rảnh để ôn thi. Ngày nào cũng phải học, dù hôm đó không có tâm trạng học hành. Trong đầu chỉ nghĩ đến mục tiêu đã đặt ra và cố gắng không ngừng nghỉ.
2. Bắt tay vào ôn thi
* Ôn đề nghe:
– Dịch đề bài trong đề nghe Topik xem họ yêu cầu những gì. Lần thi Topik đầu tiên, mình không hiểu đề bài hỏi gì mà chỉ nhắm mắt chọn đại đáp án. Có thể có nhiều bạn còn chẳng hiểu đề bài hỏi gì như mình. Phải hiểu đề bài yêu cầu gì thì mới có thể làm đúng được. Ví dụ: Câu 1, 2 yêu cầu chọn bức tranh đúng; câu 4 ~ 8 là chọn câu tiếp theo cho đoạn hội thoại…
– Đây là phần khó nhất đối với mình và cần phải cải thiện. Mình cố gắng làm đề Topik nhiều nhất có thể và nghe mọi lúc mọi nơi cho tai quen với tốc độ của đề Topik. Mình nghe đề Topik trung cấp từ kỳ 22 – 34 và đề Topik II từ kỳ 35 trở lại đây. Thêm vào đó, mình làm thêm đề nghe trong sách Yonsei Topik II Listening.
– Tăng khả năng nghe bằng cách nghe nhiều đề Topik, lúc không làm đề cũng nghe cho quen; nghe tin tức của đài Hàn Quốc như YTN, JTBC, MBC, SBS, KBS để quen với giọng điệu, tốc độ, phát âm của tiếng Hàn và học thêm từ vựng, ngữ pháp.
– Luôn gạch chân keyword – từ khóa trong các đáp án khi ôn đề cũng như khi đi thi. Cách làm đề nghe là nghe lấy ý chính chứ không phải nghe toàn bộ không sót một chữ nào. Vì thế, mình gạch chân từ khóa trong đáp án thì lúc nghe, mình chỉ cần tập trung vào trọng tâm là nội dung có xuất hiện hoặc liên quan với từ khóa đó, không bị xao lãng bởi các thông tin khác.
– Luyện khả năng tập trung khi nghe: Khi làm đề nghe, mình ngắt Internet, không vào mạng xã hội để tập trung tốt nhất. Trong lúc nghe mà đột nhiên những suy nghĩ khác lảng vảng đến là mình xua đi ngay. Làm như thế 1 lần, 2 lần, 3 lần rồi 4 lần, dần dần khi suy nghĩ khác ập đến trong đầu, mình sẽ chặn lại luôn. Vì đã luyện khả năng tập trung khi nghe nên khi đi thi, mình cũng ít bị tình trạng đang làm bài nghe mà đầu óc lơ đễnh, dạo chơi chỗ này chỗ khác.
* Ôn đề đọc:
– Mình cũng dịch tất cả đề bài trong đề đọc Topik, xem họ yêu cầu gì để chọn được đáp án đúng. Không phải tất cả các bạn đi thi Topik đều hiểu hết đề bài yêu cầu gì đâu nhé.
– Nếu mục tiêu của bạn là Topik 3, 4 thì luyện đề Topik trung cấp, đề Topik II từ kỳ 35 trở lại đây cũng ổn. Nếu mục tiêu của bạn cao hơn thì nên làm thêm đề Topik cao cấp từ kỳ 34 trở lại và bổ sung thêm từ vựng, kiến thức về xã hội, văn hóa, kinh tế bằng cách đọc tin tức tiếng Hàn.
– Vừa làm đề đọc vừa luyện khả năng dịch luôn, bạn có hiểu đoạn văn nói gì thì mới chọn đáp án được. Khi ôn đề, mình đọc to nội dung tiếng Hàn lên, sau đó dịch ra tiếng Việt hoặc dịch thầm trong đầu. Cứ làm như thế, dần dần sẽ tăng khả năng đọc hiểu nhanh. Vừa đọc vừa dịch cũng là cách học từ vựng, ngữ pháp luôn.
* Ôn đề viết:
– Học quy tắc viết tiếng Hàn, viết cách thế nào, sau dấu phẩy thì phải viết cách, sau dấu chấm thì viết liền…
– Câu 51, 52, mình ôn trong đề viết Topik các năm. Lưu ý: Đề bài sử dụng đuôi câu gì thì câu cần điền cũng sử dụng đuôi câu đó.
– Câu 53: Học các ngữ pháp hay dùng trong câu 53 rồi khi làm bài áp dụng các ngữ pháp đó cho nhanh.
– Câu 54: Mình lấy đề viết Topik các năm và viết theo. Trước khi viết, mình đều lập dàn ý, bài viết gồm mấy ý lớn, mỗi ý lớn gồm mấy ý nhỏ và viết theo dàn ý đó. Làm như vậy, khi đi thi, mình lập dàn ý nhanh hơn và viết theo dàn ý đó không bị bỏ quên ý và viết cũng nhanh hơn.
Trên đây là những kinh nghiệm mình rút ra trong quá trình ôn thi Topik. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn. Chúc các bạn ôn thi chăm chỉ và thi Topik đạt kết quả tốt nhất.