Lần đầu tiên đi thi Topik II thì mình ôn ở trung tâm, còn từ những lần sau thì mình tự ôn. Dưới đây là những kinh nghiệm mình rút ra được sau khi ôn thi Topik ở trung tâm. Có cả điểm cộng và điểm trừ mình muốn chia sẻ để các bạn rút kinh nghiệm khi ôn thi Topik, chọn trung tâm ôn Topik và lựa chọn cách ôn thi phù hợp với bản thân.

Những cái được khi mình ôn thi Topik ở trung tâm

Chọn được nguồn tài liệu ôn thi: Giáo viên hướng dẫn nguồn tài liệu ôn thi đó là ngữ pháp, từ vựng trong sách Tiếng Hàn tổng hợp và trong đề Topik hàng năm; ôn thành ngữ, quán dụng ngữ tiếng Hàn để làm câu 21 trong đề đọc…

– Hướng dẫn các mẫu câu dùng trong câu 53 của đề viết: Giáo viên tổng hợp và in ra cho học viên các mẫu câu dùng trong câu 53 nên lúc ôn thi mình chỉ cần học thuộc các cấu trúc đó rồi áp dụng khi viết, không mất thời gian lên mạng tìm kiếm nữa.

– Hướng dẫn cách viết đuôi câu trong đề viết: Nếu tự ôn thi Topik ngay từ đầu thì mình sẽ không biết điều này. Câu 51, 52 phải sử dụng đuôi câu giống như đuôi câu trong đoạn văn của đề bài. Câu 53, 54 phải sử dụng đuôi văn viết 다, ví dụ như  먹다 -> 먹는다 (dạng hiện tại của động từ có patchim), 생각하다 -> 생각한다 (dạng hiện tại của động từ không có patchim)…

– Khi tự ôn thi Topik, mình đã vận dụng những kiến thức học được khi ôn thi Topik ở trung tâm, rồi tự mày mò, tìm kiếm thêm nguồn tài liệu, phương pháp ôn thi, cách làm từng dạng bài.

Tuy vậy, khi ôn thi Topik ở trung tâm mình cũng thấy có rất nhiều nhược điểm và đây chính là những điểm các bạn cần lưu ý khi tìm kiếm, lựa chọn trung tâm ôn thi Topik.

Những cái dở khi ôn thi Topik ở trung tâm mình rút ra:

– Trung tâm không tư vấn khi học viên đăng ký

Khi đó mình mới học hết nửa quyển Tiếng Hàn tổng hợp sơ cấp 2 và hết quyển  재미있는 한국어, tương đương trình độ sơ cấp. Mình không biết học đến trình độ nào thì có thể thi được Topik II. Thêm vào đó, lại nôn nóng thi được chứng chỉ Topik để tìm việc nên cũng nhắm mắt đăng ký 1 khóa ôn thi Topik cấp tốc. Tháng 2 và 3 ôn thi, tháng 4 thi.

Nhân viên, giáo viên ở trung tâm không tư vấn gì hết, cốt chỉ muốn có nhiều học viên đăng ký để cho đầy lớp; không xem học viên đang ở trình độ nào để tư vấn cho phù hợp. Kiểu như mình mới học hết giữa sơ cấp 2 mà vẫn bảo thi được Topik II.

Lúc đăng ký, mình có hỏi bạn nhân viên là mình mới học hết sơ cấp thì có theo học được lớp ôn thi Topik không, mình còn đăng ký muộn nên lớp đã học được 2 buổi rồi. Bạn đó bảo: Theo được hết, đừng lo.

Mình cũng hỏi giáo viên ở trung tâm từng dạy mình (mình học tiếng Hàn và đăng ký ôn thi Topik ở đó luôn) là trình độ tiếng Hàn sơ cấp như mình thì có theo được lớp ôn thi Topik II không, liệu có thi được không. Giáo viên đó bảo: Thi được hết, em đừng lo.

Đúng thật, mình theo được hết và thi được hết. Nhưng mà là chạy theo vì kiến thức ôn thi quá sức đối với mình; vẫn đi thi nhưng chả hiểu bài thi hỏi cái gì nữa, thi xong đi về nhà mà vẫn như người mơ ngủ, rồi cũng chả được nổi cái Topik nào.

– Tất cả mọi trình độ từ sơ đến cao cấp dồn hết vào một lớp

Trong lớp ôn Topik, có đủ mọi trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp (đương nhiên cao cấp là số rất nhỏ, chỉ khoảng 1 hoặc 2 người). Chắc cũng có mấy bạn trình độ sơ cấp như mình nhưng cũng được nhân viên trung tâm tư vấn cho đăng ký lớp này cho đông học viên. Mấy bạn trung cấp, cao cấp khi học thì không có vấn đề gì, còn trình độ như mình thì thấy không thể theo nổi ngay từ buổi thứ 2.

Vài buổi đầu, giáo viên dạy qua về ngữ pháp trong Tiếng Hàn tổng hợp từ quyển 1 đến quyển 6. Tính sơ sơ khoảng vài trăm ngữ pháp. Mấy chục ngữ pháp ban đầu thì mình hiểu vì học rồi, còn từ những ngữ pháp sau thì kiểu như vừa bị mù chữ, vừa bị điếc vì không hiểu một chữ nào luôn.

Đến lúc làm đề cũng tương tự, nhìn thấy đề Topik là mình muốn ngất luôn vì khó quá. Làm đề Topik I thì mình tự tin làm được 98%, còn đề Topik II mình cũng tự tin làm sai đến 98%. Đề đọc thì còn làm được mấy câu, còn đề nghe thì không nghe được một câu nào. Học được mấy buổi mà mình biến thành “cá đuối” luôn rồi. Trong khi đó, những bạn trình độ trung cấp và cao cấp thì vẫn làm ngon lành.

– Không có chuyện hướng dẫn kỹ năng làm bài đâu

Khi đăng ký ôn thi ở trung tâm, ai cũng kỳ vọng được hướng dẫn kỹ năng làm bài (mọi người hay gọi là mẹo làm bài); ôn thi thế nào cho hiệu quả; nên ôn những tài liệu nào… Nhưng không có chuyện đó đâu.

Và mình cũng đã rút ra được điều này khi ôn thi Topik ở trung tâm. Thầy cứ dạy ào ào, trò cũng học ào ào, ai hiểu thì hiểu. Cũng khó trách vì trình độ học viên không đồng đều, có người trung cấp, cao cấp, mà cũng có thành phần sơ cấp như mình.

Giáo viên cho bọn mình về làm đề Topik ở nhà trước, hôm sau lên lớp sẽ chữa bài. Giáo viên chỉ hướng dẫn cách làm một vài câu trong đề đọc và đề nghe thôi, còn những câu sau thì không hướng dẫn. Cũng có thể vì thời gian ôn thi chỉ có 2 tháng, không có nhiều thời gian nên không thể hướng dẫn tỉ mỉ được.

Chọn nguồn tài liệu ôn thi; cách ôn thi từng đề nghe, đọc, viết; cách làm từng dạng bài; làm thế nào để học từ vựng, ngữ pháp hiệu quả; làm thế nào để tăng khả năng nghe… đều là những kinh nghiệm mình rút ra được trong quá trình tự ôn thi Topik.

Bản thân mình vẫn thích tự ôn Topik hơn vì không có nhiều thời gian để đến trung tâm, chi phí tiết kiệm, thời gian linh động. Tùy mỗi người sẽ chọn hình thức ôn thi Topik ở trung tâm hay tự ôn cho phù hợp với điều kiện của mình. Nếu bạn ôn Topik ở trung tâm thì hãy tìm hiểu kỹ để chọn được trung tâm chất lượng tốt. Và điều quan trọng nữa là bạn phải chăm chỉ, kỷ luật thì mới mong có được kết quả thi tốt nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *