Khi chưa nhìn mặt mũi đề Topik II thế nào, mình nghĩ nó chỉ khó hơn đề Topik I một chút chứ mấy vì mỗi lần làm đề Topik I đều được tới 98 điểm. Nhưng quả là mình đã khinh thường quân địch. Lần đầu tiên nhìn thấy đề Topik II là mình muốn ngất luôn vì chẳng hiểu đề bài yêu cầu gì, nội dung là gì nữa. Và dưới đây là những cái sốc nhất đối với mình khi lần đầu tiên làm đề Topik II.
1/ Toàn ngữ pháp cao siêu
Lúc mới cầm đề đọc Topik II lên, mình nghĩ: “Gì mà toàn ngữ pháp cao siêu chưa nhìn thấy lần nào vậy. Làm như người ta là người Hàn không bằng mà toàn đưa mấy ngữ pháp trời ơi đất hỡi thế này”. Rồi khi học ôn Topik ở trung tâm, giáo viên dành ra một buổi ôn ngữ pháp thì lúc nói đến ngữ pháp trung cấp, cao cấp là mình như bị mù chữ luôn.
Từ trước đến giờ chỉ học mấy ngữ pháp cơ bản như 고 있다, 지 말다, 겠다, 아/어서, (으)니까, giờ nghe mấy ngữ pháp cao siêu như 더라도, 아/어 봤자, 으나 마나, 다시피 tuyệt nhiên không hiểu nổi. Và còn vô vàn ngữ pháp cao vời vợi khác. Mình mới nghĩ: “Thi Topik còn khó hơn cả lên trời thế này hả trời”.
2/ Đề dài dằng dặc
Topik II đề đọc 50 câu, đề nghe 50 câu, đề viết 4 câu; đề nào cũng dài dằng dặc nhìn là muốn ngất luôn. Đề nghe thì mình nghe được khoảng 15 câu đầu là thấy đầu óc quay cuồng, không hiểu người ta nói cái gì nữa. Mà thực ra trong 15 câu đó chắc chỉ chọn đáp án đúng được mấy câu.
Đề đọc dài không kém. Nghe mấy người từng đi thi Topik bảo không bao giờ đủ thời gian để làm hết 50 câu luôn, thường làm đến 30, cùng lắm là 40 câu là hết giờ rồi. Mình thì xác định chỉ làm được đến câu 21, 22 là muốn vứt bút đi rồi vì khó quá, không đủ thời gian làm bài.
3/ Toàn những chủ đề phức tạp
Làm đề đọc, đề nghe Topik I thì toàn những chủ đề đơn giản; như là thời tiết hôm nay thế nào, đây là cái gì, bạn đi đâu đấy, thói quen sinh hoạt hàng ngày… Đề Topik II thì không dễ ăn như vậy. Chỉ có vài câu là về những chủ đề về đời sống hàng ngày hay kiến thức khoa học thường thức đơn giản; còn là về sau toàn những chủ đề trên trời dưới biển với mình. Nào là biến đổi khí hậu, lương thực, việc làm, nghiên cứu văn hóa, tính cách, môi trường… Nhiều khi đến tiếng Việt còn không hiểu hết nữa là bắt đọc, nghe bằng tiếng Hàn.
4/ Câu phức tạp, dài dằng dặc
Trong đề đọc, nghe Topik I, hầu hết là các đoạn văn ngắn, câu văn ngắn nên phân tích chủ ngữ vị ngữ để đọc hiểu sẽ đơn giản. Thế nhưng đề Topik II sẽ khó hơn nhiều. Chủ đề trong các đoạn văn phức tạp hơn, đoạn văn dài hơn; câu văn cũng dài hơn và phức tạp hơn. Có câu dài đến cả 3, 4 dòng; mình đọc một hồi xong không biết đâu là chủ ngữ, vị ngữ, không biết dịch ra thế nào luôn. Kiểu này thì khi đi thi, đợi mình dịch hiểu xong đoạn văn nói gì thì mọi người thi xong và về hết rồi.
Đề đọc được nhìn nội dung trên giấy còn đỡ, đề nghe thì chỉ được nghe bằng tai, không nhìn thấy mặt chữ mà câu văn dài dằng dặc nên nghe xong là muốn quay cuồng. Rõ ràng là nghe đấy mà chả hiểu người ta đang nói cái gì nữa.
5/ Tốc độ nói nhanh như gió
Đề đọc kiểu gì mình cũng làm được một ít, đề viết thì chém qua loa cũng được vài điểm; nhưng khi đến đề nghe thì muốn xỉu luôn. Từ mới thì nhiều, ngữ pháp trung cấp cao cấp cũng có, chủ đề phức tạp, câu dài mà tốc độ nói còn nhanh như gió luôn. Chưa kịp định hình câu 1 người ta nói cái gì thì băng đã chạy đến câu 2, câu 3 rồi còn đâu.
Nhất là 20 câu đầu lại chỉ được nghe một lần, từ câu 21 đến câu 50 thì mỗi câu được nghe 2 lần nhưng cũng không dễ ăn điểm chút nào. Đặc biệt, đề Topik lần nào cũng có câu do người già đọc nên khó nghe khủng khiếp, giọng ồm ồm lại còn nhấn nhá nữa. Lần nào ôn đề nghe đến câu có giọng ông già là thấy nản luôn.
Trên đây là những cái mình thấy sốc nhất khi lần đầu tiên làm đề Topik II. “Vạn sự khởi đầu nan”, đầu tiên làm cái gì cũng thấy khó và nản. Thế nhưng, học dần dần thấy mình tiến bộ hơn, làm đề thấy dễ dàng hơn. Thậm chí, mình còn thích làm đề Topik và không còn lo lắng khi đi thi Topik nữa. Các bạn cũng thế nhé. Đừng sợ thi Topik II. Cứ học chăm chỉ và có phương pháp thì nhất định sẽ đạt điểm Topik cao.