1. Tận dụng 1 phút 50 giây đầu tiên để xem trước đáp án của 12 câu đầu tiên. Câu 1 và 2 thì để lúc vừa nghe vừa xem cũng được. Vì đã xem trước đáp án nên các bạn nghe và chọn được đáp án rất nhanh, chính xác. Bạn còn có thể tận dụng thời gian giữa các câu này để chạy sang đọc đáp án từ câu 13 trở đi.

2. Câu 3 là biểu đồ cũng rất dễ chọn sai đáp án. Trước khi nghe, bạn cần xem kỹ 4 bức tranh, 2 bức tranh nói về chủ đề A và 2 bức còn lại nói về chủ đề B -> lúc nghe đối chiếu xem nói về chủ đề A hay B và loại được 2 đáp án. Và trong chủ đề đó, hai bức tranh sẽ có những chi tiết nhỏ khác nhau nên bạn cần chú ý để phát hiện thật nhanh chi tiết đó và đối chiếu với nội dung nghe để chọn được đáp án đúng.

3. Đừng vừa nghe vừa chọn đáp án vì sẽ không tập trung được vào nội dung nghe và cũng khó chọn được đáp án chính xác. Nên đọc trước đáp án của ít nhất 1 câu so với nội dung băng chạy. Ví dụ, băng chạy đến câu 10 thì bạn đã đọc đáp án ít nhất của câu 11, 12 rồi và ung dung làm câu 10.

4. Nên gạch chân từ khóa trong đáp án sẽ giúp bạn đọc đáp án nhanh hơn. Thêm vào đó, khi nghe hãy tập trung vào những nội dung liên quan đến từ khóa này để bắt được ý nhanh nhất.

5. Câu 9 ~ 12 là lựa chọn hành động tiếp theo của người đàn ông/phụ nữ thì hãy để ý nhiều đến những câu nói của nhân vật chính này trong đoạn hội thoại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến những yếu tố tưởng “vô hại” như nhân vật đang nói chuyện cùng người đàn ông/phụ nữ đó nói nên làm cái này/cái kia trước và nhân vật chính cũng nói rằng sẽ làm như vậy.

6. Từ câu 21 trở đi sẽ được nghe 2 lần. Ví dụ: Nghe 2 lần và chọn đáp án cho câu 21 và 22. Bạn nên tận dụng thời gian băng chuyển từ câu 20 sang câu 21, 22 để đọc các đáp án của câu 21 rồi chọn đáp án của câu này trong lần nghe đầu tiên, và lần nghe sau chọn đáp án của câu 22.

7. Khi nghe, nghe bắt các ý quan trọng, liên quan đến các đáp án chứ đừng cố gắng nghe để hiểu tất cả nội dung vì không cần thiết và cũng không nghe được. Cũng đừng vừa nghe vừa cố dịch sang tiếng Việt. Cứ để mặc nó là tiếng Hàn, việc của bạn là chọn đáp án đúng thôi mà.

8. Đọc hiểu đáp án thật nhanh, nắm bắt nội dung trong bài nghe và cũng phải hiểu thật nhanh. Băng cứ chạy và thời gian cứ trôi, không đợi bạn ngồi dịch ra tiếng Việt là gì để hiểu đâu. Vì thế, cần luyện khả năng đọc hiểu, nghe hiểu nhanh từ khi học tiếng Hàn, ôn Topik. Đây cũng là kỹ năng cần thiết trong suốt quá trình học tiếng Hàn.

9. Tránh mất tập trung khi nghe. Thường có kiểu đang nghe rất ngon lành thì tự nhiên đầu óc lảng sang một suy nghĩ khác thế là đứt mạch nghe và không hiểu bài nghe nói gì luôn. Lúc này, bạn phải “triệu hồi” gấp đầu óc quay trở lại vào bài nghe. Đặc biệt, cần luyện khả năng tập trung khi nghe trong quá trình học tiếng Hàn, làm đề thi Topik. Chứ đầu óc vốn thích rong chơi khi đang làm bài rồi thì đến khi đi thi thật cũng khó bắt đầu óc tập trung lắm.

10. Dù đề nghe làm không tốt thì bạn cũng đừng mất tinh thần khi làm đề viết và đề đọc. Đề nào cũng phải chiến đấu hết mình. Đề nghe làm không tốt thì kệ nó, gạt sang một bên, để dành tinh thần, trí óc và sức lực để làm 2 đề còn lại.

Đây là một số kinh nghiệm mình tích lũy được trong quá trình ôn thi và đi thi Topik. Các bạn hãy tham khảo và tìm ra những cách làm bài khác hiệu quả hơn nhé. Chúc các bạn thi tốt!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *